ThienNhien.Net – Việc Bắc Kinh kiểm soát thượng nguồn của những dòng sông trọng yếu nhất khu vực châu Á đang khiến vấn đề nước dần trở thành nhân tố chính trị mới gây chia rẽ mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng như Ấn Độ, Nga, Kazakhstan, Nepal và các quốc gia thuộc lưu vực Mê Kông. Đó là nhận định của giáo sư Brahma Chellaney, một nhà nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách tại New Dehli (Ấn Độ) trong bài viết dưới đây, xin được giới thiệu tới độc giả.
Các bàn luận quốc tế xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc đến nay thường chỉ tập trung vào các vấn đề như tiềm năng thương mại gia tăng, tham vọng về lãnh hải ngày một lớn và sự củng cố sức mạnh quân sự của nước này. Tuy nhiên có một vấn đề vô cùng quan trọng thường bị bỏ qua là sự trỗi dậy của Trung Quốc như một “bá chủ” về nguồn nước.
Chưa từng có nào quốc gia nào thành công trong việc nắm giữ lợi thế của một quốc gia ven sông bằng việc kiểm soát thượng nguồn và thao túng dòng chảy của các con sông quốc tế như vậy. Trung Quốc – quốc gia đứng đầu thế giới với tư cách nhà xây đập với gần một nửa trong khoảng 50.000 đập thủy điện của thế giới – đang nhanh chóng gia tăng sức ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng bằng việc triển khai hàng loạt dự án thủy điện quy mô lớn trên những con sông chảy qua địa phận nhiều quốc gia.
Chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1949 đã thay đổi căn bản bản đồ nguồn nước châu Á, với hầu hết các con sông quốc tế quan trọng đều bắt nguồn từ các vùng lãnh thổ bị sát nhập vào nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Cao nguyên Tây Tạng là một ví dụ. Kho trữ nước ngọt lớn nhất thế giới này là đầu nguồn của những dòng sông lớn nhất châu Á, bao gồm cả những con sông huyết mạch chảy qua Trung Quốc đại lục, Nam và Đông Nam Á. Các vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc cũng là thượng nguồn của nhiều con sông như Irtysh, Illy và Amur, chảy qua Nga và các nước Trung Á.
Điều này khiến Trung Quốc trở thành đầu nguồn của nhiều con sông lớn chảy qua biên giới nhiều nước nhất thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này lại từ chối khái niệm chia sẻ nguồn nước hay tham gia vào các định chế hợp tác quốc tế với các quốc gia hạ lưu về sử dụng nguồn nước. Trong khi những người láng giềng ven sông ở khu vực Đông Nam và Nam Á của Trung Quốc ký kết các thỏa ước về sử dụng nguồn nước, thì Trung Quốc là nước duy nhất tuyệt nhiên không đặt bút ký bất kỳ hiệp ước về nguồn nước với bất cứ nước nào trong khu vực.
Mặc dù sở hữu và sử dụng nguồn nước chung Mê Kông, song đến nay Trung Quốc vẫn chỉ là đối tác đối thoại chứ không phải là thành viên của Ủy hội sông Mê Kông. Điều này cho thấy Trung Quốc không có ý định tuân thủ quy định của cộng đồng các quốc gia lưu vực sông Mê Kông hay thực thi bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào mà Ủy ban này đưa ra.
Tệ hơn nữa, Trung Quốc khuyến khích chủ nghĩa đa phương quốc tế nhưng lại dửng dưng với việc hợp tác đa phương với các quốc gia cùng lưu vực. Chiến lược của Trung Quốc được các nước hạ nguồn Mê Kông đánh giá là một nỗ lực “chia để trị”. Mặc dù Trung Quốc tỏ thái độ công khai ủng hộ các sáng kiến song phương nhằm giải quyết những vấn đề về nước nhưng lại không thể hiện bất cứ sự nhiệt thành thật sự nào với các hoạt động song phương có ý nghĩa. Kết quả là nguồn nước ngày càng trở thành nhân tố gây chia rẽ chính trị mới trong quan hệ của Trung Quốc và các nước láng giềng như Ấn Độ, Nga, Kazakhstan và Nepal.
Trung Quốc cố tình lái sự chú ý của dư luận tới việc nước này từ chối chia sẻ nguồn nước hay tham gia vào các thể chế hợp tác nhằm quản lý những con sông chung một cách bền vững bằng việc phô trương các thỏa thuận về chia sẻ dữ liệu dòng chảy với các nước láng giềng ven sông. Tuy nhiên, thực chất đây không phải là thỏa thuận hợp tác về chia sẻ tài nguyên mà chỉ là thỏa thuận thương mại nhằm bán các dữ liệu thủy văn vốn vẫn được các quốc gia thượng nguồn khác cung cấp miễn phí cho các quốc gia hạ lưu.
Trên thực tế, với việc chuyển làn sóng xây đập từ các dòng sông nội địa sang các con sông quốc tế, Trung Quốc hiện tại đang rơi vào các cuộc tranh chấp nguồn nước với hầu hết các quốc gia cùng chung dòng sông. Các cuộc tranh chấp này có vẻ như ngày càng nghiêm trọng, khi trọng tâm mới của nước này là xây dựng những con đập khổng lồ, mà điển hình nhất là con đập mới nhất trên sông Mê Kông – đập Tiểu Loan có công suất 4.200 MW, với chiều cao vượt cả tháp Eiffel, và một con đập công suất 38.000 MW đang được lên kế hoạch xây dựng trên sông Brahmaputra tại Metog, gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Đập Metog sẽ lớn gấp đôi con đập đang giữ vị trí quán quân về quy mô Tam Hiệp với công suất 18.300 MW, con đập đã khiến ít nhất 1,7 triệu người Trung Quốc phải di cư.
Không những vậy, Trung Quốc đã xác định một vị trí xây đập lớn khác trên sông Brahmaputra tại Daduqia gần biên giới Ấn Độ. Con đập này, cũng giống như Metog, cũng khai thác một sức nước từ độ cao gần 3.000m khi con sông này ngoặt xuống phía Nam từ rặng Himalaya vào địa phận Ấn Độ và hình thành nên một hẻm núi dài và dốc nhất thế giới. Hẻm Brahmaputra – sâu gấp hai lần hẻm Grand của Hoa Kỳ, là kho dự trữ nước chưa được khai thác lớn nhất châu Á.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những dự án chuyển nước khổng lồ như vậy là những nước nằm cuối nguồn các con sông như Brahmaputra và Mê Kông – là Bangladesh, đất nước mà tương lai đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và môi trường; là Việt Nam, vựa lúa lớn của Châu Á.
Trong khi đó, việc Trung Quốc chặn nguồn nước của sông Illy có nguy cơ biến hồ Balkhash của Kazakhstan thành biển Aral thứ hai, vốn đã mất đi nửa kích thước ban đầu.
Ngoài ra, Trung Quốc còn lên kế hoạch xây dựng “Đường dẫn nước vĩ đại phía tây”, giai đoạn thứ ba của “Dự án chuyển dòng Nam – Bắc vĩ đại” – một dự án chuyển dòng liên sông và liên lưu vực tham vọng nhất từ trước tới nay. Trong đó, hai giai đoạn đầu là chuyển dòng của các con sông nội địa ở vùng đất trung tâm của người Hán dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng ba năm tới. “Đường dẫn nước vĩ đại phía tây” tập trung vào cao nguyên Tây Tạng với mục đích chuyển nước, kể cả từ các con sông quốc tế sang sông Hoàng Hà, dòng sông bắt nguồn từ Tây Tạng, nguồn cung cấp nước chính cho miền Bắc vốn đang thiếu nước của Trung Quốc.
Với ngành công nghiệp hiện đang thống trị thị trường thiết bị thủy điện toàn cầu, Trung Quốc cũng vươn lên trở thành nhà xây đập thủy điện lớn nhất bên ngoài lãnh thổ của mình. Trung Quốc mở rộng xây dựng đập thủy điện ở nhiều khu vực, từ những tiểu bang có chủ quyền như Kashmir của Pakistan đến những tiểu bang vẫn còn xung đột như Shan và Kachin ở Mianmar, bất chấp sự phản đối dữ dội của người dân địa phương.
Cùng với các tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải với Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia khác, Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ hiện trạng dòng chảy của những dòng sông quốc tế. Thuyết phục Trung Quốc chấm dứt tình trạng đơn phương chiếm hữu nguồn nước chung vì thế trở thành vấn đề mấu chốt cho hòa bình và ổn định của châu Á. Nếu không, Trung Quốc sẽ trỗi dậy như một bá chủ về nguồn nước của Châu Á và bằng cách đó sẽ giành được những ưu thế lớn trước các quốc gia láng giềng.