ThienNhien.Net – Hôm nay tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sẽ diễn ra phiên khai mạc Tuần lễ Lâm nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương (APF) 2011. Đây là sự kiện quan trọng góp phần đoàn kết các nước trong khu vực và cũng là dịp để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia về lâm nghiệp hội tụ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý rừng và tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề về rừng và lâm nghiệp đang phải đối mặt.
Tại Tuần lễ lâm nghiệp châu Á – Thái Bình Dương lần này có một số chủ đề thảo luận đáng chú ý như “Bài học kinh nghiệm và thách thức nhìn từ một thập kỷ thực thi Luật Lâm nghiệp và quản trị rừng ở Châu Á – Thái Bình Dương (FLEG)” hay “Chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm giữa các quốc gia tiêu thụ – sản xuất – chuyển đổi về lâm nghiệp”.
Chia sẻ tham luận về “Bài học kinh nghiệm từ việc thực thi luật lâm nghiệp và quản trị rừng (FLEG) trong kiểm soát suy thoái rừng ở Việt Nam”, TS. Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích chính sách đến từ Tổ chức Forest Trends Hoa Kỳ, tại Việt Nam – cho biết: Việt Nam là một trong những trung tâm chế biến gỗ của thế giới. Ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam phát triển theo định hướng xuất khẩu, với tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ nội thất năm 2010 lên tới 3,4 tỉ USD. Song, chế biến gỗ của Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong tổng khối lượng 4 – 4,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu sử dụng hàng năm có tới 70-80% được nhập khẩu từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, đó là chưa kể đến khối lượng gỗ nhập khẩu bất hợp pháp, theo ước đoán cũng không nhỏ.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn nạn khai thác và buôn bán gỗ trái phép, trong đó đáng lưu ý là “Giao đất giao rừng”, một trong những chính sách quan trọng nhằm khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững và tăng cường bảo vệ rừng. Nhờ thực hiện chính sách này, đã có hơn 1 triệu hộ gia đình được tiếp cận với đất lâm nghiệp. Việt Nam cũng đã sớm ban hành Luật bảo vệ và phát triển rừng nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý cho việc thực thi pháp luật về lâm nghiệp, tăng cường mật độ che phủ cũng như chất lượng rừng.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nghiên cứu và bước đầu áp dụng các sáng kiến toàn cầu như PES, REDD+ và FLEGT nhằm quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý chặt chẽ hơn vấn đề buôn bán gỗ. Chương trình liên hiệp quốc REDD Việt Nam đang hoàn thiện giai đoạn đầu, tập trung vào việc chuẩn bị thực hiện các giai đoạn tiếp theo, bao gồm các mô hình thí điểm về quản lý rừng bền vững để tăng lượng các-bon dự trữ, giảm lượng phác thải khí CO2 và bảo tồn sự đa dạng tài nguyên. Lợi nhuận từ PES và REDD+ dự kiến sẽ được dành để trang trải thâm hụt ngân sách cho ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang đàm phán với EU về Hiệp định đối tác tự nguyện (VAP) quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT). Các biện pháp và cơ chế này hướng đến ngăn chặn nạn sử dụng đồ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Châu Âu trong tương lai. Thêm vào đó là sáng kiến cho khu vực tư nhân như Chương trình Chứng nhận lâm nghiệp hiện đang được thực hiện ở các địa phương. Định hướng phát triển rừng của Việt Nam năm 2020 đã xác định mục tiêu “30% sản phẩm gỗ của Việt Nam, tương đương 1 triệu ha rừng, sẽ được cấp chứng nhận của hệ thống chứng nhận quốc tế vào năm 2020”.
Chia sẻ về những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt, TS. Tô Xuân Phúc cho biết do thiếu nguồn lực, ngân sách cũng như sự phối hợp còn lỏng lẻo giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ quan chịu trách nhiệm giám sát rừng) và Bộ Tài nguyên Môi trường (cơ quan giám sát quản lý đất đai), Việt Nam hiện còn khoảng 2 triệu ha rừng chưa được giao. Về mặt giấy tờ thì đó là rừng do chính quyền địa phương quản lý, song trên thực tế, rừng đang bị khai thác tự do ở rất nhiều nơi. Một thách thức khác ngăn cản việc sử dụng đất rừng một cách hiệu quả là chi phí hành chính cao khi triển khai đối với số lượng lớn hộ gia đình.
Mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng việc thực thi pháp luật lâm nghiệp, đặc biệt là ở các địa phương, vẫn không đủ mạnh để hạn chế nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. Tình trạng này là do các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam thiếu nguồn lực và tài chính. Thêm vào đó là sự cấu kết giữa những người thực thi pháp luật với những đối tượng khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp ở địa phương.
Sáng kiến REDD+, mặc dù hứa hẹn đem lại một cơ hội lớn để cải thiện quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho nhiều vùng miền của Việt Nam, tuy nhiên, cơ chế đảm bảo lợi ích cho các bên hiện chưa đủ rõ ràng. Đã có những cảnh báo rằng nếu vấn đề quyền sử dụng đất hiện tại không được cải thiện, các hộ gia đình địa phương sẽ không thể hưởng lợi từ REDD+.
Hiệp định đối tác tự nguyện quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT/VPA) – một hiệp định đối tác song phương mang tính pháp lý giữa EU và quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ – được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam bằng việc mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện uy tín ngành và nâng giá thành phẩm song cũng đã cho thấy những thách thức đối với những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Nhóm đối tượng này sẽ gặp khó khăn do không có hệ thống kiểm soát cũng như rất khó chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ.
Sự hợp tác giữa các công ty chế biến gỗ và các cơ sở cung cấp nhỏ lẻ có thể giúp cải thiện nguồn cung cấp gỗ trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập khẩu nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý cũng như thị trường đầu ra. Cho đến nay, diện tích rừng Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận là rất nhỏ, chưa đạt mục tiêu đã đề ra.
Được biết, năm 2008, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Hội Nghị Ủy ban Lâm Nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 22. Trong tuần lễ lâm nghiệp năm nay, với sự hỗ trợ của Chương trình Lâm nghiệp Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức, Việt Nam sẽ có một gian hàng giới thiệu và chia sẻ thông tin tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Trung Quốc.