ThienNhien.Net – Công tác tham vấn cộng đồng trong quá trình đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển kinh tế xã hội ở nước ta còn chưa được thực hiện nghiêm túc và tồn tại nhiều bất cập. Đó là kết luận của Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) trong một báo cáo mới được trình bày tại hội thảo “Tham vấn cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường” được tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội.
Theo nghiên cứu của VESDI, trong số 6 dự án phát triển được chọn khảo sát thì có Dự án Thuỷ điện Trung Sơn được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp và nghiêm túc nhất. Những dự án còn lại tuy chủ đầu tư đã thực hiện việc tham vấn theo đúng các quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường, nhưng việc tham vấn còn hình thức, sơ sài, chưa thể hiện đúng các nội dung cần tham vấn.
Điều này được lý giải là do các quy định hiện nay trong các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến tham vấn cộng đồng chưa cụ thể, thậm chí còn tạo điều kiện thuận lợi và giảm trách nhiệm cho chủ dự án.
Theo quy định hiện nay, Uỷ ban Nhân dân (UBND) và Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc (UBMTTQ) là hai cơ quan chịu trách nhiệm tham vấn cộng đồng về các tác động môi trường của dự án trong khi trình độ năng lực về môi trường của các cơ quan này còn hạn chế, lại không được cung cấp thông tin đầy đủ về dự án, không có kinh phí tổ chức… Đây là một phần nguyên nhân khiến việc tham vấn không thể đạt kết quả tốt.
Hơn nữa, trên thực tế còn rất nhiều tồn tại trong tham vấn cộng đồng, kể cả việc UBND và UBMTTQ không hề tổ chức tham vấn; thậm chí có trường hợp các đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường soạn sẵn công văn trả lời để xin chữ ký và con dấu của các tổ chức này.
Nhằm giải quyết các bất cập trong tham vấn cộng đồng hiện nay, nghiên cứu của VESDI cho rằng đối tượng thực hiện tham vấn cộng đồng không nên chỉ giới hạn là UBND và UBMTTQ cấp xã, mà cần có sự tham gia của các cơ quan và chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức xã hội… Thêm nữa, thời gian tham vấn phải gắn với tiến trình thực hiện của dự án, chứ không phải chỉ giới hạn trong khoảng thời gian 15 ngày như quy định hiện nay.
Mặt khác, để việc tham vấn có hiệu quả, mô hình tham vấn cộng đồng theo yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn nước ngoài cần mở rộng áp dụng ở tất cả các dự án sử dụng vốn trong nước, nhằm nâng cao minh tính bạch hoá thông tin. Việc minh bạch hoá thông tin sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình giám sát thực hiện dự án.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đồng tình với quan điểm rằng thực trạng tham vấn cộng đồng của Việt Nam còn nhiều tồn tại và những quy định về tham vấn cộng đồng trong các văn bản quy định của nhà nước liên quan tới thủ tục đánh giá tác động môi trường cần có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và hiệu quả hơn.