ThienNhien.Net – Từng được xem là chốn bồng lai của rừng núi Hà Giang với phong cảnh non nước hữu tình cùng thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ đến mê hoặc, nhưng vài năm trở lại đây, thắng cảnh hồ Noong thuộc xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên đã bị chia cắt bởi hàng loạt hệ thống lưới, cọc, liếp tre phục vụ nhu cầu… nuôi thả cá của người dân.
Tuy chỉ là một hồ nước ngọt dài xấp xỉ 2km với tổng diện tích 80 ha nhưng hồ Noong từ lâu đã được xem là tài sản quý giá đối với vùng đất đại ngàn đá này. Đây cũng là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút bao đoàn du khách tới thăm trong các dịp nghỉ, lễ. Điểm hấp dẫn nhất của hồ Noong chính là khung cảnh tự nhiên tựa thiên đường với sự phản chiếu, kết hợp hài hòa giữa màu nước xanh rì, trải dài trên mặt hồ phẳng lặng cùng sự xuất hiện lác đác những đùm cây cổ thụ khi xanh tốt, khi khô trụi. Xung quanh hồ lại được bao bọc bởi hệ thống núi, rừng nguyên sinh rừng và mây phủ quanh năm, tạo nên không gian huyền ảo, kỳ vỹ đến lạ lùng.
Tiếc là rừng núi thì vẫn như xưa nhưng lòng hồ phía đầu nguồn đã bị chia năm xẻ bảy bởi hệ thống lưới, cọc, liếp tre được giăng ngang dọc. Càng buồn hơn khi nhiều đám cây trong lòng hồ vì không thích ứng được quy trình tiêu thoát nước nuôi thả cá nên đã dần chết khô, đứng chỏng chơ như những bãi chông hoang tàn.
Theo tìm hiểu, trước kia, hồ Noong được giao cho thôn ven hồ quản lý theo phương thức hương ước, mọi người dân trong thôn và các xã lân cận đều được phép đánh bắt trong lòng hồ từ 3-4 ngày vào mùa cạn nhưng chỉ được dùng nơm, vó, tuyệt đối không dùng lưới, kích điện làm ảnh hưởng đến sinh thái lòng hồ. Người dân cũng không được xâm hại đến cảnh quan tự nhiên của hồ như chặt cây, nuôi thả cá…, duy chỉ hoạt động đánh bắt cá diễn ra vào mùa nước cạn hàng năm là được duy trì.
Tuy nhiên, từ năm 2004, khi xã Phú Linh ra quyết định thành lập Hợp tác xã thủy sản nhằm quản lý và nuôi cá ở lòng hồ thì hồ Noong bắt đầu bị chia cắt thành những ao nhỏ được đắp bằng đất. Về sau, khi Hợp tác xã giải thể, UBND xã yêu cầu người dân phá dỡ hệ thống bao đất nhưng vẫn duy trì hình thức phân chia lòng hồ bằng lưới, cọc nhằm giao cho một số hộ tiếp quản, nuôi thả cá.
Đặc biệt, phía địa phương còn cho xây dựng tuyến đường bê tông chắn ngang gần cuối lòng hồ, khiến quá trình tiêu thoát nước tự nhiên của hồ bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến sự cư trú của các loài động thực vật, đồng thời làm thu hẹp diện tích lòng hồ. Theo phản ánh của một số người dân, loài cá đặc trưng của vùng hồ này là cá Khiếu giờ đã gần như hoàn toàn vắng bóng.
Trước thực trạng đáng buồn nêu trên, ông Hoàng Văn Vương, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, người từng có nhiều năm nghiên cứu về hồ Noong cho rằng, muốn cứu vãn cảnh quan, môi trường và tái tạo hệ sinh thái lòng hồ, cần trả lại hồ cho tự nhiên, không duy trì bất cứ hoạt động nuôi thả cá nào trong lòng hồ. Đặc biệt, phía địa phương cần sớm thành lập ban quản lý, bảo vệ hồ, đồng thời khôi phục và duy trì hương ước bảo vệ hồ khi xưa. Nếu làm được điều này thì chỉ sau 5-6 năm, hệ sinh thái hồ sẽ được phục hồi và các loài cây trong lòng hồ như sung, vả, lộc vừng… mới mong phát triển trở lại.