ThienNhien.Net – Không chỉ nổi tiếng là một trong những nơi có trữ lượng vàng lớn nhất Bắc Kạn, cái tên Ngân Sơn trong nhiều tháng nay còn được nhắc tới như một “điểm nóng” khai thác vàng trái phép. Tại rất nhiều địa phương thuộc địa bàn huyện này, “vàng tặc” đang thỏa sức tung hoành, kéo theo cơn lốc tàn phá đất đai, ruộng vườn, sông suối.
Con đường nhỏ dẫn vào các xã Thượng Ân, Cốc Đán từ Quốc lộ 3 chỉ chừng 15km nhưng xuất hiện cả chục bãi vàng khai thác trái phép. Cạnh mỗi bãi, đất đá đều được đổ chất đống xung quanh những ao, hố tù đọng. Không ít điểm còn đào sát bờ ruộng của người dân, thậm chí phía cuối những mương nước được đầu tư hàng tỷ đồng cũng bị “vàng tặc” đào sâu từ 1 – 3m trên diện tích rộng cả chục hec-ta.
Ngay cả công trình thủy điện, “vàng tặc” cũng không tha. Cách Thủy điện Thượng Ân chỉ chừng 100m, “vàng tặc” đưa cả máy xúc và nhân công đến đào bới, sàng tuyển. Không ít chân cột điện cũng lọt vào tầm ngắm của đội quân bất hảo này.
Tương tự như tình trạng diễn ra ở Thượng Ân, Cốc Đán hay nhiều địa phương thuộc huyện Na Rì, Bắc Kạn mà chúng tôi đã được dịp phản ánh, tại các xã Thượng Quan, Thuần Mang thuộc huyện Ngân Sơn, không ít người dân cũng mạnh dạn bắt tay với “vàng tặc” hòng kiếm lời thông qua hoạt động khai thác vàng trái phép. Từng thửa ruộng, từng mảnh vườn, từng đoạn suối… lần lượt trở thành những mảnh đất để chủ bưởng vàng và người dân chung chia lợi nhuận. Sau mỗi đợt cày xới đào kiếm, tất cả đều bị biến thành ao, hố tù đọng, tan hoang như những bãi chiến trường dày bom đạn.
Để tạm qua mắt các lực lượng chức năng, hầu hết các chủ bưởng vàng đều sử dụng chiến thuật “ngủ ngày cày đêm”, tức mọi hoạt động khai thác trái phép đều được làm về đêm, bắt đầu từ khoảng 19 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, còn ban ngày, nhân công được ngủ nghỉ xả hơi.
Tiếp cận một lán trại tại thôn Khuổi Cóc, xã Thượng Quan, chúng tôi ghi nhận hình ảnh 6 thanh niên nằm ngủ mê mải trên những tấm phản sau một đêm “cày xới” mệt nhọc. Họ được cung cấp mọi nhu yếu phẩm cần thiết và được trang bị các vật dụng, công cụ cho việc khai thác vàng. Bên dưới lán, những chiếc máy xúc và dàn tuyển được che giấu lẩn khuất bằng vải bọc nhưng vẫn đủ hở để có thể nhận ra.
Có mặt tại lán thứ hai cũng tại địa bàn trên, chúng tôi chứng kiến khoảng 7 thanh niên đang vần hàng chục phi xăng, dầu xuống nơi tập kết để chuẩn bị cho cuộc “ra quân” khi đêm xuống. Hai trong số đó cho biết, rất ít khi bị chính quyền “hỏi thăm” vì họ chỉ làm vào ban đêm, còn ban ngày thì ngủ.
Trao đổi với lãnh đạo các xã Thượng Quan, Thuận Mang, chúng tôi được biết, việc khai thác vàng trái phép tại các xã này đều có sự hợp tác, hậu thuẫn của người dân, thậm chí không ít trong số đó là con em hoặc họ hàng một số cán bộ, lãnh đạo xã. Cũng vì thế mà đến giờ sự can thiệp từ phía chính quyền mới chỉ tạm dừng ở việc… nhắc nhở (!?)
Một số hình ảnh ghi lại tại những bãi khai thác vàng trái phép trên đất Ngân Sơn: