ThienNhien.Net – Trước sức ép gia tăng dân số, nhu cầu phát triển và tác động từ hiện tượng biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về an ninh nguồn nước, đặc biệt khi phần lớn nguồn nước của chúng ta phụ thuộc vào dòng chảy của các con sông bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ. Thách thức ấy đòi hỏi phải được giải quyết bằng các giải pháp liên ngành, liên quốc gia nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ lợi ích và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng này. Đó là câu chuyện được đặt ra tại Hội thảo lần thứ nhất về an ninh nguồn nước do Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 01/11/2011.
Không chỉ đề cập đến thực trạng an ninh nguồn nước tại Việt Nam và lưu vực Mê Kông, Hội thảo còn nhấn mạnh đến yếu tố pháp lý trong khai thác, sử dụng nguồn nước giữa các quốc gia; vai trò của các thể chế khu vực, của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) và các tổ chức xã hội dân sự cũng như giới truyền thông trong câu chuyện thúc đẩy giải quyết các vấn đề về an ninh nguồn nước.
Suy thoái + khan hiếm
Theo GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Á, Việt Nam có khoảng 2372 con sông dài từ 10 km trở lên nhưng có tới hơn 62% tổng nguồn nước mặt là do các sông ngoài lãnh thổ chảy vào. Nếu xét theo chỉ tiêu phân cấp tiềm năng tài nguyên nước thì nguồn nước của Việt Nam tương đối đủ, song do phân phối không đều trong năm và trong các vùng, cộng thêm nguồn nước bị suy thoái nên ngày càng có nhiều địa phương rơi vào tình trạng khan hiếm trầm trọng.
Năm 2010, Việt Nam trở thành quốc gia thiếu nước với bình quân đầu người chỉ đạt 3.850m3 nước/năm, xét theo tiêu chí của Hội Tài nguyên nước quốc tế IWRA. Nhận định về thực trạng này, GS.TS Tuấn cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng khan hiếm và suy thoái nước là do hoạt động khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước trên các sông xuyên biên giới, chủ yếu là hệ thống sông Mê Kông và hệ thống sông Hồng. Chiến lược phát triển thủy điện cộng thêm nhu cầu khai thác khoáng sản của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phía đầu nguồn khiến các dòng sông ngày càng suy giảm về cả số và chất lượng.
Thiếu ràng buộc pháp lý và hợp tác toàn diện
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ vĩ mô, bà Đỗ Hồng Phấn, Trưởng ban cố vấn Mạng lưới Cộng tác vì Nước Việt Nam khẳng định, hiện có hai vấn đề lớn liên quan đến câu chuyện về nước cần được đề cập là an ninh nước về mặt tài nguyên và an ninh nước về mặt quản lý vĩ mô. Xét dưới góc độ an ninh về mặt tài nguyên, nguồn nước chịu tác động trực tiếp từ yếu tố biến đổi khí hậu và sự chia sẻ nguồn nước sông liên quốc gia, trong khi xét về quản lý vĩ mô, yêu cầu cần được đặt ra là mối quan hệ liên ngành và sự tham gia của các thành phần trong xã hội.
Bà Phấn đặc biệt nhấn mạnh, trong việc giải quyết vấn đề về an ninh nước, cần phải triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, kinh tế, tài chính, pháp lý, chính trị xã hội, trong đó cần chú ý tới mối quan hệ khăng khít giữa ba lĩnh vực chuỗi lương thực – nước – và phát triển năng lượng.
Cùng chung mối quan tâm về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đồng tình cho rằng cần phải giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước dựa trên lợi ích chung giữa các quốc gia. Tuy nhiên, ông lo ngại, sự hợp tác giữa các quốc gia ven sông hiện nay vẫn chỉ dựa vào thiện chí mỗi bên. Các hội nghị quốc tế về nước vẫn chỉ tác động bằng những khẩu hiệu trên bàn giấy. Vì thế, để đảm bảo an ninh về nước, theo ông, cần tăng cường hợp tác và đấu tranh song phương, đa phương và quốc tế, đặt hợp tác về nước trong tổng thể hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác.
Ths. Nguyễn Hùng Sơn, Phó trưởng khoa kiêm Giám đốc Trung tâm Khu vực và Chính sách đối ngoại, Viện Nghiên cứu Chiến lược cũng bày tỏ lo ngại rằng việc các nước mạnh ai nấy làm nhằm hưởng được nhiều lợi ích nhất từ các con sông chung nhưng lại không có tổ chức nào đủ mạnh để đứng ra can thiệp đang là vấn đề phức tạp. Với Mê Kông, tuy có Ủy hội sông Mê Kông là tổ chức đại diện nhưng do năng lực thế chế có hạn, mới chỉ dừng lại ở mức độ tư vấn nên khó có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp nảy sinh khi có mâu thuẫn về lợi ích giữa các nước trong lưu vực. Hơn nữa, việc các nước thượng nguồn Trung Quốc và Miến Điện không tham gia vào tổ chức này với tư cách thành viên cũng khiến những nỗ lực của MRC trở nên khó khăn.
Thêm điểm đáng quan ngại là hiện nay chúng ta vẫn chưa có trạm tài nguyên nước kiểm soát khu vực sát biên giới nơi con sông đổ vào nước ta nhằm định rõ số lượng, chất lượng cũng như theo dõi được đầy đủ diễn biến thay đổi dòng sông có thể gây bất lợi cho Việt Nam. Trong khi đó, trên thượng nguồn sông Đà phía Trung Quốc các đập thủy điện ngăn dòng sông chính rất dày, cứ 10-30 km lại có một đập. Đập gần biên giới Việt Nam nhất là Thổ Khả Hà chỉ cách 13 km nên rủi ro rất cao khi đập này có sự cố. Chưa kể, nước bạn không công khai quy trình vận hành liên hồ chứa cùng các thông số kỹ thuật từng hồ nên gây khó khăn cho Việt Nam trong việc điều tiết, vận hành hồ chứa, kiểm soát lũ lụt. – GS.TS Ngô Đình Tuấn cho hay.
Hợp tác để bảo vệ nguồn nước
Trước những thách thức ngày càng lớn về an ninh nguồn nước, TS. Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế, Việt Nam cần chủ động tìm kiếm một giải pháp lâu dài về sử dụng, khai thác nguồn nước, hình thành các cơ chế xử lý các vấn đề về an ninh nguồn nước; nâng cao nhận thức pháp luật cùng vai trò của các tổ chức xã hội và báo giới đối với vấn đề quan trọng này.
GS.TS Ngô Đình Tuấn cũng nhấn mạnh, cần nhận thức đúng về sự cần thiết phải hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm liên khu vực để đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là trên hai sông lớn Mê Kông và sông Hồng.
Ngoài các ý kiến nêu trên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần đánh giá về vai trò của MRC trong việc giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước. Mặc dù trong quá trình hoạt động, MRC gặp không ít khó khăn về thể chế và hiệu quả hoạt động nhưng có thể khẳng định MRC đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tham vấn, điều phối giữa các bên liên quan. Việt Nam cần dựa vào MRC để thúc đẩy hợp tác khu vực, chia sẻ lợi ích để cùng phát triển.
Bên cạnh đó, cần kết nối các tổ chức xã hội dân sự trong nước, đặc biệt là giới khoa học và các tổ chức phi chính phủ nhằm phối hợp hành động, chia sẻ thông tin và thúc đẩy giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước.