ThienNhien.Net – Sau 13 năm thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng với tổng kinh phí gần 32.000 tỷ đồng, cả nước giao khoán được gần 10 triệu trên tổng số 16,2 triệu ha đất lâm nghiệp; giúp tăng độ che phủ rừng từ 32% lên 39,5%; tạo việc làm cho gần 485.000 hộ nghèo trong tổng số gần 1,25 triệu hộ tham gia, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, dự án cũng tồn tại nhiều mặt hạn chế, đời sống người dân làm nghề rừng còn gặp nhiều khó khăn; độ che phủ rừng chưa đạt so với mục tiêu đề ra là trên 40%; vẫn còn hơn 2,8 triệu ha đất trống, đồi núi trọc; tình trạng chặt phá rừng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương với mức độ ngày càng gia tăng…
Với những hạn chế nêu trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và giao Chính phủ phê duyệt, tổ chức thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tăng độ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2015 và 44-45% vào năm 2020.
Nhận xét về báo cáo tổng kết dự án do Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trình bày tại phiên họp Quốc hội sáng 31/10, nhiều đại biểu nhấn mạnh, hiệu quả triển khai dự án còn thấp so với kỳ vọng mặc dù mục tiêu ban đầu đã được điều chỉnh từ 5 triệu xuống còn 3 triệu ha rừng; thực trạng giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tồn tại nhiều bất cập, để xảy ra không ít vụ tranh chấp tại các địa phương.
Bên cạnh đó, việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Theo báo cáo, đã có gần 289.000 ha diện tích đất được cấp cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để trồng rừng với mức giá rất thấp, trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất để trồng rừng.
Đáng quan tâm hơn cả, một số địa phương còn để xảy ra tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư rừng ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cả diện tích đất rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý.
Liên quan đến mốc số về độ che phủ rừng, nhiều đại biểu cũng đề nghị, cần kiểm chứng lại con số báo cáo về độ che phủ rừng vì tại nhiều địa phương, diện tích rừng giảm đi từ khi triển khai dự án, đơn cử như Đăk Lăk giảm 6,6%, Bình Phước giảm 10,6%… Tại một số địa phương như Hậu Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh Đông Nam Bộ, độ che phủ rừng cũng đạt rất thấp, chỉ chiếm trên dưới 2%, khả năng sinh trưởng và chất lượng rừng phòng hộ chưa đạt yêu cầu.
Dự kiến, vào sáng 10/11/2011 tới, Quốc hội sẽ thảo luận phiên toàn thể về dự án này trước khi thông qua nghị quyết về dự án vào chiều 25/11/2011.