ThienNhien.Net – Với độ cao hơn 700m so với mực nước biển và diện tích 3400 ha, núi Cấm (An Giang) là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, và đã được quy hoạch làm khu du lịch. Nhưng cũng từ đây xảy ra nhiều vi phạm về đất đai.
Theo phản ánh của người dân, dù Nhà nước đã có lệnh cấm nhưng đất ở núi Cấm được mua bán tự do với giá từ 70-150 triệu đồng/1000m2 tùy vị trí. Đất núi hầu hết là đất rừng hoặc đất trồng cây ăn trái, đã biến thành “trang trại nghỉ mát” và biệt thự của nhiều đại gia. Thậm chí nhiều người còn tìm mua đất để ở đây xây mộ phần vì tin rằng núi Cấm là “long mạch”.
Theo thông tin trên Pháp luật TP. Hồ Chí Minh 1/11/2011, ông Nguyễn Thành Hầu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tịnh Biên, cho biết đất núi Cấm không ai có sổ đỏ vì theo quy định đất đồi núi trên độ cao hơn 30m do kiểm lâm quản lý, giao cho dân trồng rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất, cấp sổ xanh, UBND huyện cấm mua bán.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch du lịch, từ năm 2005, tỉnh An Giang thu hồi hàng loạt đất đai, nhà cửa của người dân sống trên núi Cấm giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang để xây dựng Khu Hành hương 2. Tuy nhiên, tại đây hiện nay chỉ thấy nhiều dãy ki-ốt sắp xây xong. Những người bị giải tỏa, thu hồi đất muốn thuê lại thì phải chấp nhận giá 92 triệu đồng/16 m2 trong 10 năm, trả trước 50%.
Lãnh đạo UBND huyện Tịnh Biên cho biết huyện không chấp nhận việc công ty xây ki-ốt để kinh doanh. Nhưng chuyện Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang xây ki-ốt sai mục đích “thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh bởi tỉnh giao đất cho công ty”.