Thái Lan: Đại hồng thủy do đâu?

ThienNhien.Net – Mặc dù đã quá quen với cảnh lũ về hàng năm nhưng cuối mùa mưa năm nay, chính phủ và người dân Thái Lan vẫn không khỏi bất ngờ hứng chịu một trận đại hồng thủy được coi là lớn nhất trong nửa thế kỷ qua.

Mưa lũ kéo dài bắt đầu từ cuối tháng 7, cho đến nay đã làm khoảng 400 người thiệt mạng, hơn 2,3 triệu người bị ảnh hưởng, và gây thiệt hại ước tính hơn 16 tỷ baht. Lũ lụt cũng nhấn chìm hơn 6 triệu ha đất đai, ảnh hưởng tới 61 trong tổng số 77 tỉnh của Thái Lan, thậm chí nước lũ đã phá vỡ các đê bao bảo vệ sân bay Don Muang, từng là sân bay quốc tế lớn nhất Bangkok. Đối với tân thủ tướng Yingluck của Thái Lan, đây là thử thách lớn nhất kể từ khi bà nhậm chức. Tình hình lũ lụt của Thái Lan vẫn đang diễn biến phức tạp.

Phân tích nguyên nhân gây nên trận lũ lụt nặng nề ở Thái Lan, nhiều ý kiến khác nhau đã được đưa ra, trong đó không ít quan điểm chỉ trích sự điều hành của chính phủ Thái. Có ý kiến cho rằng từ nhiều năm nay, Chính phủ Thái Lan qua các nhiệm kỳ hầu như đều phớt lờ lời khuyến cáo xây dựng hệ thống kênh đào, đê đập và cửa cống trên quy mô cả nước để ứng phó với thiên tai, nạo vét các lòng sông và chủ động tìm các giải pháp thoát nước đối phó với mưa lớn hàng năm. Trong trận lũ năm nay, nhiều đoạn đê đã không thể trụ nổi.

Thủ tướng Thái Lan đã đích thân đi thị sát nhiều vùng ngập lụt. Trả lời phỏng vấn báo chí, bà cho rằng một trong những nguyên nhân gây của trận lụt lớn là do nạn phá rừng.

Các số liệu về  rừng của Thái Lan cho thấy diện tích rừng đang bị thu hẹp tới mức báo động do nạn khai thác gỗ trái phép, cháy rừng, các dự án xây dựng và thủy điện. Trong hai thập kỷ qua, diện tích rừng tự nhiên của Thái Lan đã giảm gần một nửa. Hiện tại, Thái Lan còn khoảng 14,8 triệu ha đất có rừng trong tổng diện tích đất đai 51 triệu ha.

Quá trình phát triển hạ tầng cơ sở của Thái Lan trong những thập kỷ qua kéo theo hệ lụy bê tông hóa đất đai cũng đã làm mất diện tích thoát tự nhiên của nước vào mùa lũ. Ông Smith Dharmasaroja, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thái Lan nói rằng, hiểm họa này đã được cảnh báo từ nhiều năm nhưng các nhà chức trách đều bỏ ngoài tai. Các quy hoạch xây dựng nhà cửa, đường xá hầu như thờ ơ với những cảnh báo chặn đường thoát của nước vào mùa lũ. Hệ thống đê điều của Thái Lan trong trận lũ lụt năm nay cũng đã không trụ nổi, nhiều đoạn bị phá vỡ.

 

Lũ lụt lớn ở Thái Lan (Ảnh: Theo TTXVN)

Đã có nhiều ý kiến chỉ trích đổ dồn vào ngành dự báo khí tượng thủy văn, cho rằng họ đã không thể dự báo được tình hình và đưa ra những cảnh báo phù hợp. Lượng mưa vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua tại Thái Lan cho thấy cao gấp đôi so với mức trung bình cùng kỳ hàng năm.

Tuy nhiên, trên tờ Bangkok Post, một vị đại diện Cơ quan Cảnh báo thiên tai Thái Lan, cho rằng nguyên nhân chính của trận đại hồng thủy năm nay ở Thái Lan chính là do quản lý nước chưa tốt. Nhiều đập lớn của Thái lan đã tích nước từ đầu mùa mưa và không còn sức chứa. Các cửa đập buộc phải mở để xả nước cùng thời điểm mưa lớn kéo dài khiến tình trạng ngập lụt càng thêm nặng nề. Nếu các đập xả nước từ từ trước đó thì lũ lụt đã bớt nghiêm trọng.

Theo thông tin khí tượng thủy văn quốc tế, diễn biến của các dòng hải lưu chính ảnh hưởng thời tiết toàn cầu tiếp tục vượt khỏi quy luật thông thường. La Nina có dấu hiệu quay lại từ tháng 8, gây ra mưa nhiều hơn. Với sự trở lại quá sớm của La Nina, mưa to vượt mức trung bình vẫn có thể tiếp tục từ nay đến cuối năm 2011 ở miền nam Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.