ThienNhien.Net – Chuyện người dân bắt tay làm ăn cùng “vàng tặc” không còn là điều mới mẻ ở thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, bởi từ nhiều năm nay đãi vàng đã được xem là một nghề ở Khuổi Nộc. Đây cũng là căn nguyên khiến tệ nạn này khó bị xử lý triệt để dù phía chính quyền đã ít nhiều nỗ lực.
Theo chia sẻ của ông Dương Văn Sơn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Khuổi Nộc, hiện vẫn có tình trạng một số người trong thôn kết hợp với người ngoài mang máy xúc loại lớn vào làm vàng trái phép. Một bên có máy móc, một bên có đất, cả hai cùng làm ăn và chung chia. Cũng có những hộ bán cả đất bãi ven sông cho các chủ vàng để được nhận tiền mặt với lời hứa họ sẽ trả lại mặt bằng cho mình canh tác ngay khi khai thác xong.
Bản thân một số hộ trong thôn cũng thừa nhận, vào những vụ nông nhàn, họ đều tranh thủ đi mót sái hoặc làm thuê cho các bưởng vàng. Dù không được nhiều nhưng tối về bán là có tiền ngay. Thậm chí, làm vàng từ lâu đã trở thành trào lưu tại Khuổi Nộc. Với họ, “con gái 13, 14 tuổi mà không biết đãi vàng là khó lấy chồng. Con trai bản cũng sẽ khó lấy vợ nếu không biết kiếm cái gì bỏ vào nồi lúc giáp hạt, mà ở đây thì chỉ có làm vàng sái” – ông Sơn cho biết thêm. Chính tư tưởng này đã khiến nhiều gia đình trong thôn vẫn cố bám víu vào từng thước đất, khúc sông để tìm kiếm vận may với giấc mơ đào đãi.
Không khó để có thể bắt gặp cảnh những bãi trồng ngô và hoa màu của hơn 100 hộ dân bị đào xới như một đại công trường hoặc chứng kiến quãng đường dài hơn 2km dọc sông Bắc Giang bị đào bới thành nhiều hố sâu, rộng cả trăm mét. Nước rửa quặng sau đó lại được xả thẳng xuống lòng sông kèm theo lượng lớn bùn đất, khiến nước sông đỏ quạch, đục ngàu, nhiều đoạn đặc sánh.
Tuy nhiên, chỉ cần sự xuất hiện bất chợt của người lạ hoặc cán bộ địa phương thì ngay lập tức mọi phương tiện, máy móc được thu dọn gọn gàng với những lý do đã được chuẩn bị sẵn kiểu như… đang chuẩn bị đào ao. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giải thích đây là lý do khiến họ khó xử lý triệt để được vấn nạn nhức nhối này.
Được biết, toàn thôn hiện có 116 hộ nhưng vẫn còn tới 93 hộ thuộc diện nghèo. Xem ra giấc mơ đào đãi không hề khiến người dân trở nên sung túc, có chăng chỉ là sự trang trải tạm bợ nguồn sống qua ngày. Trong khi đó, tài nguyên đất, nước, khoáng sản ngày càng bị thất thoát và ô nhiễm nghiêm trọng.