ThienNhien.Net – Việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đang là vấn đề đáng báo động ở Trung Quốc, khiến những lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước này đang ngày một gia tăng.
Thực trạng đáng lo ngại
Có một điều khó tin là hầu hết nông dân Trung Quốc đều tránh xa các loại nông sản do chính họ làm ra để bán vào các thành phố. Nhưng đây lại là thực trạng chung ở các vùng nông thôn Trung Quốc. Nông dân sử dụng hóa chất, phân bón một cách rộng rãi để rau quả lớn nhanh hơn, đẹp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng chính họ lại không dám ăn những loại thực phẩm đó vì biết chúng có hại cho sức khỏe.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này như ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng các loại hóa chất có độc tính cao và khuyến khích nông dân canh tác lành mạnh hơn. Tuy nhiên, nông dân ở nhiều vùng không chỉ sử dụng hóa chất để kích thích thực vật và rau quả tăng trưởng nhanh mà còn quá lạm dụng những hóa chất độc hại đó. Hầu hết các hộ gia đình ở nông thôn Trung Quốc không còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để lấy phân bón cho rau nữa vì nguồn này không đủ, không tiện và rẻ như sử dụng phân bón hóa học.
Viện Cây trồng thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết nhu cầu sử dụng các loại thuốc trừ sâu của nước này đã tăng từ 700.000 tấn năm 1990 lên 1,7 triệu tấn năm 2008 (tương đương 30 kg/ha). Nếu thống kê trung bình lượng thuốc trừ sâu sử dụng theo diện tính thì con số này của Trung Quốc cao hơn từ 3 đến 5 lần so với các quốc gia khác. Hiện tại mỗi năm nước này có gần 90 triệu ha đất canh tác bị ô nhiễm hóa chất. Tỷ lệ tiêu thụ phân hóa học trong ngành nông nghiệp của Trung Quốc chiếm 35% thị phần thế giới, tương đương cả hai nước Mỹ và Ấn Độ cộng lại.
Ngành nông nghiệp Trung Quốc đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề hóc búa phát sinh do vấn nạn lạm dụng hóa chất, trong khi điều này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến hệ sinh thái đất.
Lợi nhuận là trên hết
Theo tập đoàn nghiên cứu kinh doanh quốc tế Freedonia, doanh số của mặt hàng hóa chất nông nghiệp thế giới năm 2009 là 45 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên mức 52 tỷ USD vào năm 2014. Trong đó, Trung Quốc luôn là nước đứng đầu ở cả hai vị trí, nhà sản xuất và người tiêu thụ.
Tính đến năm 2009, Trung Quốc đã sản xuất ra trên 2 triệu tấn hóa chất thực vật, 800.000 tấn trong đó dành cho xuất khẩu. Trong khi đó các loại thuốc trừ sâu hữu cơ từng được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia từ những năm 1940, giờ đã có chỗ đứng bền vững trong nền nông nghiệp hiện đại lại rất khó được tiếp nhận tại Trung Quốc. Thuốc trừ sâu sinh học có độc tính thấp và đắt tiền chỉ chiếm 1% trong tổng số thuốc trừ sâu được bán ra tại Trung Quốc.
Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng và Thanh tra nông sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết: 60% đất canh tác của Trung Quốc bị ảnh hưởng bới côn trùng phá hoại và các loại dịch bệnh. Sử dụng hóa chất giúp Trung Quốc bảo vệ được 58 triệu tấn ngũ cốc; 1,5 tấn bông vải sợi; 50 triệu tấn rau và 6 triệu tấn trái cây mỗi năm.
Từ năm 1997, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành danh mục các loại hóa chất có độc tố cao cấm sử dụng để phòng trừ dịch hại ở thực vật. Bộ cũng buộc các nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất phải đăng ký sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Song tính đến cuối năm ngoái, thị trường Trung Quốc đã có tới 14.000 nhãn hàng được sản xuất từ 600 cơ sở khác nhau. Dự kiến trong vòng 5 năm tới nước này sẽ tiếp tục cấp phép thêm cho 7.000 sản phẩm hóa chất nông nghiệp mới.
Tiêu chuẩn an toàn bị coi nhẹ
Trong nền nông nghiệp hiện đại sử dụng hóa chất trong nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước khác. Tuy nhiên, những tác hại tiềm tàng từ việc sử dụng hóa chất có thể được giảm thiểu nhờ áp dụng tiêu chuẩn đã được thừa nhận rộng rãi về sản xuất nông sản an toàn – GAP. Tiêu chuẩn này đề ra các nguyên tắc về canh tác, thu hoạch, chế biến và bảo quản nhằm ngăn chặn những tác động đến sức khỏe con người do sử dụng thực phẩm không an toàn. Tại Trung Quốc, GAP chính thức được áp dụng từ tháng 5 năm 2006 với việc triển khai tại các trang trại trên 10 khu vực.
Tuy nhiên, kết quả áp dụng tiêu chuẩn này trên thực tế tại Trung Quốc không được như mong đợi. Đơn cử như Vùng Thọ Quang thuộc tỉnh Sơn Đông,, “vựa rau” của Trung Quốc với 60% diện tích đất của vùng được dùng để trồng rau, cung cấp cho thị trường 4 triệu tấn rau xanh các loại mỗi năm, là vùng đi đầu trong các chương trình canh tác nông nghiệp an toàn. Tuy nhiên, một chiến dịch kiểm tra độ tồn dư hóa chất mới đây cho thấy vẫn còn trên 50% sản phẩm của vùng vượt tiêu chuẩn hóa chất cho phép do nông dân phun bón hóa chất quá gần với thời điểm thu hoạch.
Tại nhà lưới trồng dưa chuột của gia đình một nông dân, những túi ni-lon nhỏ đựng hóa chất tăng trưởng được để la liệt. Trên các túi hóa chất có ghi hướng dẫn sử dụng: “Pha loãng với tỷ lệ 1 thuốc: 15 nước” nhưng chủ gia đình tiết lộ thường chỉ dùng với tỷ lệ 10 phần nước để dưa nhanh được thu hoạch.
Văn phòng thử nghiệm nông nghiệp của làng là nơi tiến hành các kiểm tra, đánh giá lượng tồn dư hóa chất ở dưa chuột, nhưng những người có nhiệm vụ thanh tra lại làm việc hết sức lóng ngóng và qua quýt đến mức người ta có thể nghi ngờ kết quả kiểm tra. Nói về điều này, một nhà nghiên cứu thực vật cho biết: “Vấn đề chính là ở đó. Ngành nông nghiệp Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một hệ thống an toàn, hiệu quả nhưng cần phải có thời gian để đào tạo những người nông dân và điều hành hiệu quả hệ thống đơn vị cơ sở”.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế Trung Quốc, số ca nhiễm độc thuốc trừ sâu trong thời gian gần đây ở các vùng nông thôn Trung Quốc liên tục gia tăng. Theo báo cáo năm 2000, Trung Quốc có tới trên 17.000 ca ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có hơn 1.000 người thiệt mạng.