ThienNhien.Net – Tưởng chừng nạn lâm tặc đã được dẹp yên sau hàng loạt những bài báo phản ánh về thực trạng phá rừng tàn khốc cũng như những cam kết “chắc như đinh đóng cột” của lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn, nhưng trở lại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn) trong một vài ngày gần đây mới thấy những cánh rừng nghiến vẫn chưa ngừng “chảy máu” bởi bước chân lâm tặc.
Cách một đoạn không xa lối mòn vào Khu Bảo tồn đã có thể bắt gặp những cây gỗ nghiến có đường kính 60 – 70cm bị chặt hạ từ lâu. Càng vào sâu, đường khó đi hơn, nhưng lượng nghiến bị chặt hạ càng nhiều, nhất là những cây có đường kính chừng 1m.
Theo phản ánh của người dân, thời gian trước, lâm tặc thường chọn những cây to có đường kính từ 80cm đến hơn 1m để chặt hạ nhưng nay “hết nạc thì vạc đến xương”, những cây có đường kính tầm 40 – 50 cm cũng bị đốn triệt để.
Riêng những cây bị sâu thì đa phần đều bị lâm tặc bỏ lại, nằm ngổn ngang giữa những vạt cây bụi với số lượng lên tới hàng trăm khối.
Đáng chú ý là không ít người dân thuộc xã An Tình, huyện Na Rì trong thời vụ nông nhàn đã tranh thủ xin đi chở gỗ thuê cho lâm tặc, đa phần đều là thanh niên và người trung tuổi.
Mỗi một chuyến chở trót lọt 01 cục “thớt” nghiến có đường kính 50cm, dày 10 – 15cm từ nơi chặt hạ xuống núi, qua đường mòn đến điểm tập kết thuộc xã Lương Thành thì được trả 200.000 đồng/công. Số tiền này ít hơn rất nhiều so với giá trị thực của mảnh gỗ, có thể lên tới 400 – 600 nghìn đồng.
Nếu tình trạng này tiếp tục không được ngăn chặn, rừng Kim Hỷ sẽ sớm cạn kiệt gỗ quý và rồi chẳng mấy chốc sẽ hết rừng để bảo tồn.