ThienNhien.Net – 1/3 dân số thế giới mà đa phần là ở châu Phi và Nam Á đang phải đối mặt với những nguy cơ lớn nhất từ biến đổi khí hậu, trong khi những nước giàu ở khu vực Bắc Âu lại được nhìn nhận là nơi ít chịu ảnh hưởng nhất. Đây là kết luận từ một báo cáo mới được công bố trong tuần qua.
Báo cáo xếp loại 193 quốc gia về mức tổn thương trước biến đổi khí hậu do Công ty Tư vấn Rủi ro toàn cầu Maplecroft (Anh) thực hiện đã xác nhận ba nước Bangladesh, Ấn Độ và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) nằm trong số 30 quốc gia chịu ảnh hưởng “cực kỳ” lớn bởi sự thay đổi khí hậu.
Năm nước Đông Nam Á – Indonesia, Myanmar, Việt Nam, Philippines và Campuchia – cũng không nằm ngoài danh sách các nước chịu rủi ro cao nhất, một phần do tác động của hiện tượng nước biển dâng và sự gia tăng cường độ của những cơn bão nhiệt đới khắc nghiệt. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 23 trong đánh giá mức độ tổn thương của Maplecroft.
Maplecroft sử dụng Chỉ số Dễ tổn thương trước Biến đổi Khí hậu (CCVI) làm công cụ đo lường độ rủi ro của các nước, các khu vực trước những sự kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, lốc xoáy, cháy rừng, bão lũ… dẫn đến sự suy giảm nguồn nước, mất mùa và tình trạng biển xâm thực.
Bên cạnh việc phân tích khả năng thích ứng của từng quốc gia với những rủi ro liên quan tới biến đổi khí hậu, báo cáo còn tính đến mức độ tổn thương của một quốc gia trước những sự kiện thời tiết nói trên xét trên một số phương diện như mật độ dân số, sự phát triển, tài nguyên thiên nhiên, sự phụ thuộc vào nông nghiệp và các mối xung đột.
Được biết, 2/3 trong số 30 nước được báo cáo mới của Maplecroft xác định chịu rủi ro cực lớn từ biến đổi khí hậu đều là các nước đang phát triển ở châu Phi – châu lục vốn bị tác động mạnh bởi hạn hán, lũ lụt và cháy rừng nghiêm trọng.
Ngoài những nguyên nhân khách quan khác như vị trí địa lý, địa hình, khí hậu… thì các nhân tố như kinh tế chậm phát triển, hạ tầng y tế chưa đủ đáp ứng và quản lý kém hiệu quả cũng góp phần tạo nên tính dễ bị tổn thương của các nước này.
Kết quả đánh giá rủi ro với các thành phố kết quả cũng không mấy khác bởi các thành phố chịu rủi ro cao nhất cũng nằm ở chính các nước dễ bị tổn thương nhất, điển hình là Bangladesh (Thủ đô Dhaka, thành phố Chittagong), Ethiopia (Thủ đô Addis Ababa), Philippines (Thủ đô Manila) và Ấn Độ (thành phố Calcutta).
Đặc biệt, Calcutta được cho là đứng đầu trong danh sách các thành phố trên thế giới chịu rủi ro cao nhất từ biến đổi khí hậu, theo đánh giá của Maplecroft.
Trong khi đó, Ai-xơ-len, Phần Lan, Ai-len, Thụy Điển và Estonia lại dẫn đầu danh sách các quốc gia ít chịu rủi ro nhất. Ngoại trừ Israel, Qatar và Bahrain, 20 nước ít chịu tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu đều nằm ở khu vực Bắc và Trung Âu.
Riêng Trung Quốc và Hoa Kỳ – hai nhà phát thải các-bon nhiều nhất hành tinh – lần lượt được xếp vào hàng rủi ro trung bình và thấp.