ThienNhien.Net – Hơn 170 quốc gia đã thống nhất đẩy nhanh lệnh cấm toàn cầu đối với việc xuất khẩu các loại phế thải độc hại tới các nước đang phát triển tại Hội nghị Môi trường Liên hợp quốc, diễn ra hôm thứ 6 tuần trước, ở Cartagena, Colombia.
Thỏa thuận này nhằm đảm bảo rằng các nước đang phát triển sẽ không trở thành bãi phế liệu của các nước phát triển với những chất thải độc hại như hóa chất công nghiệp, máy tính cũ, điện thoại di động lỗi thời và những tàu chất đầy amiăng.
Các đại biểu có mặt tại Hội nghị này đã thống nhất rằng lệnh cấm này nên chính thức có hiệu lực ngay khi có thêm 17 quốc gia nữa thông qua Công ước Basel sửa đổi về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới chất thải độc hại và việc loại bỏ chúng. Đến nay đã có 51 quốc gia phê chuẩn Công ước Basel sửa đổi 1995 này.
Hoa Kỳ, nước xuất khẩu chất thải điện tử hàng đầu thế giới, là một trong những quốc gia không phê chuẩn ngay từ Công ước Basel 1989. Đến nay, đất nước này vẫn không xử lý chất thải điện tử trong nước mà chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Phi và Mỹ Latinh.
Vấn đề chất thải độc hại bắt đầu được quan tâm từ năm 2006, khi thế giới chứng kiến hàng trăm tấn chất thải độc hại được chuyển đến, vứt bỏ ở thành phố Abidjian của Bờ Biển Ngà, làm ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người nhiễm bệnh. Lượng chất thải này do tàu biển của một Công ty Hà Lan chuyển đến và sau đó ký hợp đồng thuê một công ty địa phương xử lý bằng cách chôn lấp.
Jim Puckett, người đứng đầu mạng lưới hành động Basel, cho biết hiện không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về lượng chất thải độc hại xuất sang các nước nghèo vì các nước xuất khẩu không bao giờ lưu giữ hồ sơ chính xác và thậm chí còn cố tình kê khai sai danh mục những chất thải mà họ chuyển ra khỏi nước mình.
Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới đối với các chất thải nguy hại cho phép những nước thành viên có quyền cấm nhập khẩu chất thải độc hại và nhà xuất khẩu chỉ được chuyển rác thải điện tử ra nước ngoài khi có sự đồng ý của nước tiếp nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thiếu kinh phí, nạn tham nhũng tràn lan và việc Hoa Kỳ không thông qua đã làm suy yếu hiệu lực của Công ước này, khiến hàng triệu người nghèo trên thế giới vẫn phải tiếp xúc với kim loại nặng, chất PCBs (polychlorin biphenyl) và các chất thải độc hại khác.
Do vậy lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu các chất thải độc hại là giải pháp duy nhất cho vấn đề này.
Đoàn đại biểu Việt Nam, do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng làm Trưởng đoàn, tham dự Hội nghị theo Ủy nhiệm thư của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hội nghị lần thứ 10 này đóng vai trò quan trọng trong định hướng tương lai của Công ước Basel. Khung chiến lược mới cho giai đoạn 2012-2021 được thông qua tại hội nghị sẽ cho phép Công ước Basel nhấn mạnh mối liên kết giữa quản lý chất thải và Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Thành công của hội nghị góp phần đáng kể vào Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững năm thứ 20 (RIO+20) sẽ tổ chức vào năm 2012. |