Việt Nam chủ trương “xanh hóa” nền kinh tế

ThienNhien.Net – Giảm phát thải các-bon, phát triển năng lượng tái tạo, “xanh hóa” cả sản xuất và đời sống sẽ là cuộc chuyển đổi quan trọng phương thức phát triển, mô hình tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Chiều 24/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan cho ý kiến bước đầu trong quá trình xây dựng một bản Khung chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các cơ quan liên quan xem xét, cho ý kiến xây dựng một số nội dung lớn của dự thảo Chiến lược Tăng trưởng Xanh. Trước hết là quan điểm, mục tiêu tổng quát coi đây là hợp phần quan trọng của chủ trương phát triển bền vững, là bước chuyển đổi quan trọng sang mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế, cũng là bước cam kết của Việt Nam, hưởng ứng nỗ lực, xu thế chung của cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các đại biểu đã thảo luận về những mục tiêu giảm phát thải nhà kính, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả tổng hợp kinh tế – xã hội và môi trường cao, áp dụng ngày càng nhiều công nghệ xanh, hình thành lối sống xanh và tiêu dùng bền vững, góp phần cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân.

Nêu rõ tính cần thiết của bản Chiến lược về Tăng trưởng Xanh của Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các mục tiêu định hướng, nhiệm vụ rà soát, đánh giá và đưa ra chỉ tiêu định lượng về cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong các hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới; phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.

“Xanh hóa” nền kinh tế đang dần trở thành một trong những xu hướng chính trong chủ trương phát triển bền vững của Việt Nam (Ảnh minh họa: Cayxanhviet.com)

Đặc biệt là 2 mục tiêu “Xanh hóa” trong sản xuất và đời sống, Phó Thủ tướng cho ý kiến về việc tính toán, rà soát nội dung và có luận chứng chặt chẽ trong các nhiệm vụ sắp xếp lại cơ cấu phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải ở các cấp độ, sử dụng tài nguyên, xây dựng kết cấu hạ tầng bền vững cũng như quá trình đô thị hóa bền vững, xây dựng nông thôn mới với lối sống thân thiện với môi trường, thúc đẩy tư duy thói quen tiêu dùng bền vững, lối sống xanh.

Bản chiến lược dự kiến sẽ trình Chính phủ cuối năm nay.

Theo Liên Hợp quốc, “tăng trưởng xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội”.