ThienNhien.Net – Hơn 1.000 hộ dân tại hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My (Quảng Nam) đã được giải tỏa, di dời, tái định cư sau khi dự án thủy điện Sông Tranh 2 đặt chân tới đây. Tuy nhiên, do công tác tái định cư (TĐC), giúp người dân mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống còn nhiều bất cập nên người dân TĐC rơi vào tình trạng “đói” đất sản xuất, châm ngòi cho tình trạng phá rừng, xâm canh, dần “xóa sổ” nhiều cánh rừng phòng hộ quanh khu TĐC của thủy điện.
Theo phản ánh của Nông nghiệp Việt Nam ngày 25/10/2011 thì rõ ràng việc chủ đầu tư dự án – Tập đoàn Điện lực VN (EVN) – không thực hiện được cam kết cải thiện đời sống dân vùng dự án, chuyển đổi nghề cho người dân TĐC, cộng với đời sống văn hóa bị xáo trộn, đi kèm với nhiều áp lực về kinh tế, đặc biệt là tình trạng thiếu đất sản xuất đã đẩy các hộ dân TĐC vào rừng kiếm sống.
Điều đáng nói là để tìm đất sản xuất bố trí cho dân, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 đã có ý định “khai tử” nhiều diện tích rừng tự nhiên khác bằng cách đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho chuyển đổi mục đích thêm khoảng 1.000ha rừng xung quanh khu vực TĐC.
Sau khi vấp phải sự phản đối của UBND tỉnh, EVN vẫn không thực hiện đền bù mà tiến hành chi trả tiền tương đương với hạn mức 1,5ha đất để dân TĐC tự tìm đất sản xuất. Trong khi đó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định là mỗi hộ dân cần tối thiểu 3ha đất để ổn định cuộc sống và nguy cơ người dân xâm hại rừng khi tiền đền bù cạn là nhỡn tiền.
Để giải quyết tình trạng này, UBND huyện Bắc Trà My đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh cho sử dụng 1.200ha trong khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh để cấp cho dân sản xuất, đồng thời rà soát hiện trạng vùng rừng phòng hộ để chuyển mục đích sử dụng các khu rừng đã mất hoặc rừng nghèo thành đất sản xuất.
Như vậy, sẽ còn những cánh rừng tiếp tục hy sinh vì chủ đầu tư thủy điện “bỏ quên” trách nhiệm?!