ThienNhien.Net – Chỉ hai ngày sau khi bắt được con ba ba quý nặng 22 kg tại chân cầu Chương Dương trong ngày 12/10, ông Nguyễn Bá Toàn (60 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đã bán cá thể ba ba cho một thương lái với giá 100 triệu đồng. Cá thể này ngay sau đó được bán tiếp sang Trung Quốc với giá 180 triệu đồng. Câu chuyện sẽ không trở nên nghiêm trọng nếu con ba ba mà ông Toàn từng sở hữu không phải loài ba ba Nam Bộ (Amyda cartilaginea) vốn nằm trong Sách đỏ IUCN và bị cấm buôn bán trái phép theo Công ước về buôn bán Quốc tế các loài trong tình trạng nguy cấp (CITES).
Có ý kiến cho rằng, hành vi của ông Toàn có thể bị phạt từ 400 – 500 triệu đồng vì đã vi phạm Khoản b, Điểm 9, Điều 19 Nghị định 99/2009/NĐ-CP của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” mặc dù bản thân gia đình ông và nhiều hàng xóm thì cho rằng điều đó thật vô lý.
Trong khi dư luận đang nóng lòng chờ đợi sự vào cuộc và quyết định cuối cùng được đưa ra từ phía các cơ quan chức năng thì các đơn vị này cho đến nay vẫn im hơi lặng tiếng dù sự việc được báo chí xới lên gần hai tuần nay.
Điều đáng nói là ngay khi nhận được thông tin ông Toàn bắt được ba ba, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã có thông báo tới Phòng Quản lý Nguồn lợi và Môi trường Thủy sản thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Bộ NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, nhưng cả hai đơn vị đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Và đến nay, tình tiết vụ việc vẫn chỉ dừng lại ở kết luận của Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, rằng ông không hề hay biết vụ việc và cũng không được ai báo cáo.
Vụ lùm xum này trên thực tế chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện đáng buồn xảy ra trong công tác bảo tồn động vật hoang dã mà nguyên nhân cũng không có gì mới.
Về phía người dân, ở một mức độ nào đó, có thể họ hiểu buôn bán động vật hoang dã, động vật quý hiếm là trái pháp luật, nhưng đó là những loài cụ thể nào, khi bắt được thì phải ứng xử ra sao thì họ cũng chịu.
Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn là sự vụ lại bị chính những đơn vị, cơ quan có trách nhiệm bỏ lơ, thậm chí thay phiên “đá bóng trách nhiệm” cho nhau.
Tương lai các loài động thực vật hoang dã sẽ ra sao nếu người dân tiếp tục không biết, còn các “quan” thì tiếp tục không màng!?