“Chúng ta đã có một bài học đích đáng về bảo tồn động vật hoang dã”

ThienNhien.Net – Bên lề buổi lễ công bố kết quả điều tra về loài tê giác Java  ở Việt Nam do Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) và Tổ chức Bảo tồn Tê giác Thế giới (IRF) tổ chức sáng nay, 25/10/2011, ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên – xung quanh thông tin khẳng định loài tê giác một sừng đã hoàn toàn tuyệt chủng ở Việt Nam.

Ông Trần Văn Thành - Giám đốc VQG Cát Tiên

– Thưa ông, hai tổ chức bảo tồn quốc tế vừa  công bố về sự tuyệt chủng của loài tê giác một sừng ở Việt Nam. Điều này có ý nghĩa ra sao đối với VQG Cát Tiên?

Ông Trần Văn Thành: Đối với riêng VQG Cát Tiên đây là mất mát rất lớn, và đối với Việt Nam là sự mất đi một di sản thiên nhiên vô cùng quý giá. Mất đi tê giác một sừng là chúng ta đã mất đi một loài động vật quý hiếm có nguồn gốc từ rất cổ xưa. Nó cho chúng ta thấy rõ hơn công tác bảo tồn trong thời gian qua của chúng ta chưa được thực hiện tốt, không chỉ với tê giác, mà với cả những loài khác.

– Tuyên bố này đã có đủ căn cứ khoa học chưa vì chỉ mới từ tháng 1 năm 2010 đến nay các nhà nghiên cứu không ghi nhận được dấu chân hay phân của tê giác?

Ông Trần Văn Thành: Từ khi phát hiện tê giác, chúng tôi luôn có những chương trình hành động bảo vệ tê giác. Nhưng từ tháng 1 năm 2010 đến nay, chúng tôi không tìm được dấu chân hay phân của tê giác, dù trước đó gần như tháng nào lực lượng tuần tra cũng có báo cáo tìm được dấu vết về tê giác. Khu vực tê giác sinh sống nay chỉ còn chừng 10.000 ha, chúng tôi có thể kiếm soát được khá rõ khu vực này. Cộng với nghiên cứu về gen, về phân tích mẫu phân thì có đủ chứng cứ khoa học để tuyên bố tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng, dù điều đó thật đáng buồn.

– Trong những năm qua, thách thức lớn nhất đối với loài tê giác một sừng là gì? Vấn đề đó đã được đặt ra nghiêm túc như thế nào?

Ông Trần Văn Thành: Có thể nói rằng trong những thời gian qua, không chỉ tê giác mà nhiều loài động vật quý hiếm khác cũng được nhà nước ta có những quy định bảo vệ cụ thể, nhưng sự quan tâm đối với công tác bảo tồn còn nhiều bất cập, chưa đồng thuận, việc thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí là yếu kém trong khi nhu cầu của xã hội đối với động thực vật hoang dã ngày càng gia tăng. Nếu chỉ với sự quan tâm như hiện nay thì công tác bảo tồn sẽ gặp nhiều khó khăn, mất mát sẽ còn nhiều.

– Tuyên bố “tuyệt chủng ngoài tự nhiên” có phải là đặt dấu chấm hết vĩnh viễn đối với sự tồn tại loài tê giác ở Việt Nam? Liệu có một chút hy vọng nào đó về sự hồi sinh nhờ công nghệ sinh học?

Ông Trần Văn Thành: Về hy vọng hồi sinh, tôi nghĩ là không. Nhiều chuyên gia về tê giác cũng đã nói, phân loài này mà biến mất thì không thể phục hồi được. Hiện chỉ còn một quần thể nhỏ ở Indonesia phù hợp với sinh cảnh Việt Nam, muốn hồi phục phân loài này ở Việt Nam thì cần cả một quá trình dài hơi và tốn kém, cần những nghiên cứu khoa học cụ thể và đầy đủ. Nhưng quan điểm của tôi thì việc đó không khả thi.

– Cùng với WWF – Tổ chức bảo tồn quốc tế hàng đầu thế giới, VQG Cát Tiên cũng đã đã dành rất nhiều nỗ lực, tâm huyết và tiền bạc theo đuổi chương trình bảo tồn loài tê giác Java, và nay thì số phận loài tê giác này đã đi đến hồi kết. Với tư cách người đại diện của Vườn, ông có chia sẻ gì?

Ông Trần Văn Thành: Chúng ta cùng chia sẻ bài học là phải cùng nỗ lực để bảo vệ đa dạng sinh học. Từ chính phủ đến người dân cần quyết liệt hơn nữa để bảo vệ nguồn tài nguyên sinh học hiện còn có chút cơ hội được bảo tồn bền vững. Tôi mong các cơ quan thông đại chúng đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo tồn thiên nhiên.


Nếu không phải là tê giác một sừng, VQG Cát Tiên giờ đây sẽ gắn với hình tượng gì?

– Có thể coi đây là một thất bại lớn về bảo tồn hay không?

Ông Trần Văn Thành: Rõ ràng đây là một thất bại. Đây là bài học chúng ta phải thuộc lòng, chúng ta luôn tâm niệm rằng nếu chúng ta không hành động quyết liệt hơn nữa thì công tác bảo tồn còn phải đối mặt với sự tuyệt chủng của nhiều loài. Thông điệp tôi muốn chia sẻ là công tác bảo tồn cần sự vào cuộc của cả xã hội, chứ đơn lẻ một ngành không thể giải quyết được vấn đề. Chúng tôi không thể bảo tồn hiệu quả khi người ta không nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, vẫn cứ phá rừng, cứ tiêu dùng động vật hoang dã.

– Và người ta vẫn dự kiến xây dựng  vài công trình thủy điện lớn trong VQG Cát Tiên, rất nhiều nhà khoa học chân chính đã lên tiếng phản đối. Nay tê giác không còn, những người ủng hộ phát triển thủy điện có thể sẽ nói rằng họ càng có lý do để tiếp tục. Quan điểm của VQG Cát Tiên về điều này như thế nào?

Ông Trần Văn Thành: Tôi cho rằng quan điểm ủng hộ thủy điện là hoàn toàn sai lầm. Đặc trưng của Cát Tiên là đa dạng sinh học, vẫn còn cả ngàn loài động vật, thực vật, chim, thú, côn trùng nữa, tất cả tổng hòa vào mới tạo thành đa dạng sinh học. Chúng tôi giữ gìn VQG Cát Tiên là giữ gìn môi trường sống cho cả triệu cá thể trong một hệ sinh thái đa dạng. Làm thủy điện là phát triển nhưng nếu phá hoại đa dạng sinh học thì không thể coi là phát triển bền vững, không phù hợp với xu hướng chung và cũng trái ngược với chủ trương phát triển bền vững của nhà nước.

– Xin chân thành cảm ơn ông!