Việt Nam tổn hao 11% điện năng do truyền tải

ThienNhien.Net – Đó là thông tin được Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đưa ra trong buổi tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam”. Buổi tọa đàm do Mạng lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam hợp tác với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Viện Rosa Luxemburg (Đức) tổ chức ngày 22-10 tại Hà Nội.

Theo GS. Phạm Duy Hiển, hiện tại mức tăng trưởng điện năng của hàng năm của Việt Nam là 13% trong khi kinh tế tăng trưởng chỉ khoảng 6-7%, cùng 1kWh điện, Việt Nam chỉ sản xuất được hàng hóa giá trị 1 USD trong khi các nước trong khu vực là 2-3 USD còn các nước phát triển là 4 USD, và mức tổn hao điện năng do truyền tải của nước ta lên tới 11% (mức trung bình của thế giới chỉ 6%).

Vì thế vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng khi nguồn thủy điện của nước ta đã được quy hoạch gần như kín hết tiềm năng, than đá và dầu mỏ sẽ cạn kiệt trong tương lai không xa. Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng cần được thực hiện ở mọi cấp độ, từ hoạch định chiến lược, chính sách của quốc gia đến cải tiến, nâng cao công nghệ sản xuất ít tốn hao điện năng.

Ảnh: Cpv.org.vn

Trong số các nguồn năng lượng mới và tái tạo, Việt Nam rất có tiềm năng về điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối (gỗ, củi, rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp… tương đương với 50 triệu tấn dầu mỗi năm). Tuy nhiên tiềm năng này vẫn chưa được chú ý, theo chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2005 mới phấn đấu tăng tỷ lệ nguồn năng lượng mới và tái tạo lên 5% tổng số năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Tham dự buổi tọa đàm, bạn Hoàng Đức Minh, giám đốc Chương trình nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu (RAECP), đã chia sẻ thông điệp với thế hệ trẻ: Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, thay đổi thói quen sử dụng năng lượng lãng phí của bản thân, và chính những hành động đó sẽ có sức thuyết phục với mọi người xung quanh hưởng ứng. Đó cũng là một cách sống có trách nhiệm với cộng đồng và tương lai.