ThienNhien.Net – Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm, đồng thời gắn trách nhiệm và thu hút sự tham gia của họ trong việc bảo vệ rừng, Bộ NN&PTNT mới đây đã xây dựng tờ trình về chính sách thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Dự thảo quyết định gồm 4 chương, 20 điều, trình bày về các vấn đề trọng tâm như mục đích, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc của cơ chế chia sẻ lợi ích, các bên tham gia, các lợi ích được chia sẻ, hội đồng quản lý.
Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, dự thảo quyết định dự kiến áp dụng đối với những hộ gia đình, cá nhân, và cộng đồng dân cư thôn cư trú hợp pháp trong các khu rừng đặc dụng và vùng đệm. Phạm vi áp dụng hạn chế trong 5 khu rừng đặc dụng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng xác định 5 nguyên tắc cơ bản phù hợp với mục tiêu đề ra, gồm: đảm bảo sự thỏa thuận trực tiếp và tự nguyện giữa các bên thông qua đại diện hợp pháp; gắn trách nhiệm của các bên với lợi ích được hưởng; công khai, minh bạch; phù hợp với những nguyên tắc cơ bản trong chính sách và pháp luật về bảo vệ phát triển rừng; quá trình thực hiện được kiểm tra, giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng dân cư địa phương.
Riêng về kinh phí triển khai, một phần sẽ do ngân sách Nhà nước cấp và các dự án tài trợ khác, trong đó Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng dành một phần kinh phí cho việc thực hiện thí điểm. Ngoài ra, cần kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia quá trình triển khai thực hiện.
Hầu hết cộng đồng dân cư sống trong các khu rừng đặc dụng hiện nay đều có đời sống khó khăn, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, khả năng tiếp cận, khai thác và sử dụng lâm sản bị nghiêm cấm, họ không được tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, điều này tạo ra không ít mâu thuẫn về lợi ích giữa cộng đồng địa phương và Ban quản lý rừng đặc dụng cũng như các cán bộ làm công tác bảo vệ rừng. Điều đáng quan ngại hơn là chính những cộng đồng ấy rất hiếm khi quan tâm tới việc bảo vệ rừng, thậm chí một số còn trở thành đối tượng khai thác lâm sản trái phép hoặc tiếp tay cho lâm tặc. Do đó, việc xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng là rất cần thiết. |