ThienNhien.Net – Nổi tiếng là nơi cung cấp các sản phẩm tinh bột, miến dong, đỗ xanh, đường mía… cho các khu vực lân cận nhưng làng nghề chế biến nông sản ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang gặp khó khăn với việc xử lý rác thải và chất thải. Trung bình mỗi ngày, toàn xã thải ra 530 tấn rác, và phần nhiều trong số đó bị thải dồn ứ trong hệ thống ao, mương, cống rãnh thoát nước. Xuất phát từ thực tế trên, gia đình ông Nguyễn Phi Sinh đã nảy ra sáng kiến làm phân bón hữu cơ từ rác thải và than hữu cơ từ bã thải dong riềng.
Phát hiện trong nước thải chứa nhiều yếu tố vi lượng cần thiết cho cây trồng như đạm, lân, ka-li, ông Sinh đã huy động cả gia đình đi vớt rác, cho vào bao, ép khô rồi ủ làm phân bón. Với loài phân này, thời gian ủ càng lâu chất lượng phân càng tốt. Ưu điểm của loại phân này là vừa rẻ (2.000 đồng/kg), vừa hiệu quả, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường.
Với sản phẩm mang lại ý nghĩa thiết thực đối với môi trường và kinh tế này, năm 2008, ông Sinh đã được trao tặng Bằng khen vì sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam.
Niềm vui như nhân đôi khi cậu con trai của ông – em Nguyễn Phi Trường, học sinh lớp 12 mới đây cũng đoạt giải ba Cuộc thi Ý tưởng xanh do Tổng cục Môi trường tổ chức với ý tưởng chế than hữu cơ từ bã thải dong riềng.
Từ một trò chơi con trẻ thường đốt bã thải dong riềng để sưởi ấm, Trường đã nhạy bén trộn bã thải rong riềng với than cám theo tỉ lệ 50/50 rồi ép thành than tổ ong, kết quả thật bất ngờ, than cháy vừa đậm, vừa lâu, vừa ít khói, lại giúp giải quyết hàng trăm tấn bã thải dong riềng được thải ra mỗi ngày. Đặc biệt, xỉ từ loại than này có thể dùng để bón cây trồng rất tốt.
Với khoản hỗ trợ 250 triệu đồng từ Công ty Toyota Việt Nam, Trường dự định sẽ mở rộng xưởng sản xuất than và tiến hành thử nghiệm sản xuất theo tỉ lệ 70/30 nhằm phát huy hiệu quả loại than hữu ích này.
Như vậy, với ít nhất hai giải pháp mà cha con ông Sinh đưa ra, bài toán ô nhiễm môi trường ở làng nghề Dương Liễu đã phần nào được giải quyết.