ThienNhien.Net – Hơn 400 trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là trẻ em, đã tử vong trong đợt bùng phát dịch viêm não do virus xảy ra ở phía bắc Ấn Độ.
Chứng viêm não thường xảy ra vào mùa mưa tại khu vực Gorakhpur giáp biên giới Nepal thuộc bang Uttar Pradesh (Ấn Độ). Những vùng trũng thấp hay ngập lụt là nơi viêm não do virus dễ lây lan và phát tán qua muỗi để bùng phát thành dịch.
Khi mắc chứng bệnh này, cơ thể người bệnh biểu hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, có thể dẫn tới hôn mê, rối loạn chức năng của não, lên cơn tai biến ngập máu, viêm tim, viêm thận.
Tính đến thời điểm hiện tại, Viện BRD – nơi duy nhất làm nhiệm vụ chữa bệnh ở khu vực Gorakhpur – đã phải tiếp nhận tới 2.300 bệnh nhân vào điều trị viêm não, phần lớn tới từ 10 – 12 huyện của Gorakhpur và chủ yếu là huyện nghèo.
Một bác sỹ làm việc tại bệnh viện này cho hay, dịch viêm não quả thực là một “bi kịch ngoài sức tưởng tượng”, mỗi ngày đều có 5 – 10 trẻ em tử vong.
Kể từ ca đầu tiên được phát hiện vào năm 1978 đến nay, Ấn Độ đã có gần 6.000 trẻ bị tử vong sau khi nhập viện điều trị. Riêng trong năm nay, hầu hết các ca tử vong đều rơi vào khoảng thời gian từ tháng 7. Đặc biệt, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là trẻ từ 6 tháng tuổi đến 15 tuổi vì khả năng miễn dịch của trẻ ở các độ tuổi này khá thấp, lại thường xuyên phải sinh hoạt bằng nguồn nước ô nhiễm – Tiến sĩ Kushwaha, Trưởng Khoa Nhi thuộc Viện BRD, cho hay.
Mặc dù Chính phủ Ấn Độ và người dân nơi đây đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng ngừa và cố gắng kiểm soát dịch bệnh nhưng vẫn không thể ngăn dịch tiếp tục bùng phát. Theo các chuyên gia y tế, việc Ấn Độ cần làm bây giờ có lẽ là nhanh chóng cải thiện điều kiện vệ sinh và nguồn cung cấp nước uống ở các khu vực nông thôn mới mong hạn chế được số người thiệt mạng.
Trước đó, năm 2005, đợt bùng phát dịch viêm não Nhật Bản cũng ở Gorakhpur đã cướp đi sinh mạng của 1.000 người, đa phần là trẻ em. Đây được coi là đợt bùng phát dịch viêm não nghiêm trọng nhất tại Ấn Độ kể từ năm 1978.