ThienNhien.Net – Theo quy định, sau khai thác, các đơn vị khai thác phải hoàn trả mặt bằng, lấy đất sản xuất cho dân. Nhưng ở thôn Chợ Cũ, xã Lạng San, huyện Na Rỳ (Bắc Kạn), sau khi khai thác vàng, đơn vị khai thác đã để lại cho địa phương một cái “hồ sinh thái”.
Ông Hoàng Văn Xuân, người Nùng, thôn Chợ Cũ, nhìn ra cái hồ rộng gần 7 ha vốn là bãi trồng ngô của cả thôn ngao ngán cho biết: Nhà tôi cũng như nhiều nhà ở đây không có một mảnh ruộng nào để cấy lúa, trồng ngô. Trước đây, khi “họ” chưa cấp phép khai thác mỏ vàng tại thôn Chợ Cũ này cho Công ty An Thịnh, tất cả các hộ dân trong thôn đều có một phần trong diện tích đất để trồng ngô. Đất ở đây rất tốt. Khi cấp mỏ cho Công ty An Thịnh, họ có cam kết khi khai thác xong sẽ hoàn thổ để lấy đất cho dân canh tác, không hiểu vì lý do gì, “họ” lại quay sang làm cái hồ gọi là “hồ sinh thái” giữa cái vùng rừng núi cây cối quanh năm xanh tốt này. Đây thực sự trở thành “ao tù”, không có đường thoát nước, bờ ao toàn cây dại mọc, người dân vứt rác, vứt các động vật chết xuống hồ, gây ô nhiễm môi trường.
Về sự việc này, ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Bắc Kạn cho biết: Việc hình thành hồ này đã được cấp uỷ xã, huyện lúc đó nhất trí, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã quyết định. Cũng theo ông Nguyên, thì việc hình thành hồ có lợi ích kinh tế và sinh thái. Khi làm hồ đã làm rất “chặt chẽ về thủ tục” từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Không hiểu các cấp chính quyền nghĩ gì, không biết ông Nguyên thấy lợi ích từ hồ này là gì, và lợi cho ai ? Nhưng người dân mất đất ở đây đang hàng ngày phải đối mặt với đói, nghèo. Việc không có đất canh tác đẩy người dân đến việc phải làm những việc mà họ không muốn để mưu sinh như “làm vàng thổ phỉ”.
Trong một thôn 32 hộ thì có đến 26 hộ không một tấc đất canh tác. Với 6,6 ha đất làm hồ, nếu chia đều cho 26 hộ dân hiện không có đất, mỗi hộ có được trên 2.500 m2 đất để canh tác. Với số diện tích này, theo ông Trưởng thôn Lý Văn Huyên, với một vụ lúa, một vụ ngô, toàn bộ số 26 hộ dân này sẽ thoát nghèo. Ông Huyên cũng cho biết, tổng số hộ nghèo và cận nghèo của thôn Chợ Cũ hiện nay là gần 80%, một tỷ lệ rất cao đối với cả tỉnh Bắc Kạn (trên 30% hộ nghèo).
Theo cam kết ban đầu, sau khi kết thúc khai thác vàng, doanh nghiệp bắt buộc phải hoàn thổ, bằng việc san lấp mặt bằng, tạo một lớp đất màu trên bề mặt dày từ 30-40 cm để phục vụ cho cấy lúa, trồng ngô. Song khi xây dựng phương án làm hồ sinh thái, người ta đã cho rằng lợi ích kinh tế từ thả cá lớn hơn trồng lúa, trồng ngô.
Theo cách tính của những người thiết kế đưa ra thì việc làm hồ thả cá có lợi hơn rất nhiều so với việc san lấp mặt bằng lấy đất cấy lúa, trồng ngô. Theo đó, trên diện tích 6,6 ha nếu một năm thả cá, lợi nhuận lên đến gần 1 tỷ đồng/năm, trong khi cấy lúa, trồng ngô chỉ cho tổng thu hơn 2 trăm triệu đồng/năm. Một con số chênh lệch quá lớn như vậy… sao lại không làm (?)
Người ta đã vẽ trên đề án rất đẹp, rất hay…Nào là đường rộng 3 mét, rải cấp phối, trồng cây xanh ven hồ, xây tường bao quanh hồ, làm nhà nghỉ ngơi… Bây giờ nhìn lại mới thấy, họ vẽ nhiều, làm ít: Tường bao không có, nhà không có, cây xanh không có, chỉ có cỏ dại…tìm một lối xuống đường bờ hồ còn khó chứ đứng nói đến việc tạo môi trường cảnh quanh để người dân đi dạo, trẻ em vui đùa… Những người dân ở đây đều rất sợ để con trẻ vui chơi cạnh hồ, rất dễ bị ngã xuống hồ. Ngay cả việc nuôi cá trong hồ cũng thất bại.
Tiếp xúc với những người ở thôn Chợ Cũ, xã Lạng San, huyện Na Rỳ, chúng tôi được biết, họ đã nhiều lần kiến nghị trong các lần họp thôn, họp xã và cả tiếp xúc cử tri, nhưng chưa thấy có phản hồi. (!?) Điều này khiến những người dân nơi đây mất lòng tin với cả phóng viên đến tác nghiệp!
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần xem xét lại toàn bộ dự án, có phương án hợp lý để người dân khỏi bức xúc. Cơ quan chức năng cũng cần có đánh giá tác động môi trường đối với những giếng nước của một số hộ dân sống cạnh hồ. Nhiều nhà cho rằng nước giếng của họ có mùi hôi khi trở trời, hiện tượng này chỉ xảy ra gần đây, khi có “hồ sinh thái” này.