ThienNhien.Net – Sự gia tăng cả về số lượng và tính khốc liệt của những trận bão và vòi rồng xảy ra trong năm 2011 tại Hoa Kỳ xuất phát từ chính những thay đổi trong các xu hướng thời tiết mà cụ thể là các mô hình dòng khí hẹp trong tầng khí quyển cao. Đây là kết luận của John Harrington Jr., giáo sư ngành địa lý đồng thời cũng là chuyên gia khí hậu thuộc Đại học Kansas (Hoa Kỳ) chuyên nghiên cứu về các tác nhân đằng sau những sự kiện thời tiết đặc biệt.
Cũng theo ông thì chính những thay đổi này đã dẫn đến đợt bão lớn tại Alabama hồi tháng 4 hay trận vòi rồng càn quét Joplin, Missouri gần 1 tháng sau đó… Mặc dù chúng chẳng phải “những kẻ lạ mặt không quen biết”, song tần số xuất hiện và mức độ tàn phá của chúng xét trong khoảng thời gian tương đối ngắn như vậy thật đáng lo ngại.
Thông thường, bão ở Hoa Kỳ hình thành khi có sự kết hợp giữa luồng không khí ẩm từ vịnh Mexico và một dòng khí hẹp tương thích, kèm theo hiện tượng hội tụ bề mặt. Chuyển động nâng lên của các dòng khí hẹp tạo điều kiện hình thành các đám mây lớn và những cơn giông dữ dội. Gặp gió thổi với mức độ tăng dần từ phía nam, tây nam và tây bắc tới, mây bắt đầu có chuyển động xoáy và rất dễ biến thành vòi rồng.
Phương pháp dự báo sớm vòi rồng không giống các phương pháp dự báo thời tiết và dự báo bão tân tiến hiện nay. Thay vì dự báo vòi rồng, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuộc Sở Khí tượng Quốc gia Mỹ thường cố gắng dự báo diễn biến của những dòng khí hẹp trước khi chúng xuất hiện khoảng 1 tháng hoặc xa hơn nữa.
Vào mùa đông, các dòng khí hẹp có xu hướng thổi xuống phía nam nước Mỹ. Đến mùa hè, chúng lại di chuyển lên phía bắc. Muốn xác định khu vực nào hứng chịu nhiều đợt vòi rồng nhất trong năm phải dựa vào vị trí của các mô hình dòng khí này. Chẳng hạn, theo quan sát của Giáo sư Harrington thì trong tháng 4, Oklahoma là vùng hứng nhiều đợt vòi rồng nhất, còn sang đến tháng 5, tần suất xảy ra vòi rồng cao nhất lại rơi vào Kansas.
Tuy nhiên, tới mùa thu mọi sự sẽ đổi khác do những dòng khí hẹp di chuyển trở lại phía nam, mang không khí khô hơn đến nhiều vùng của nước Mỹ. Điều đó mặc dù không thể ngăn vòi rồng xuất hiện, song cũng giúp hạn chế đáng kể số lượng các đợt vòi rồng.
Bên cạnh vòi rồng, năm 2011 cũng là thời điểm gia tăng tần số và mức độ khắc nghiệt của các đợt nắng nóng, bão tuyết và bão lớn. Nhiều khả năng, tất cả những thảm họa tự nhiên này đều là kết quả của sự thay đổi trong hệ thống khí hậu toàn cầu, ông Harrington nhận định.