ThienNhien.Net – Nhờ cụm di sản thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình được cả nước quan tâm hơn và thế giới biết đến nhiều hơn. Song đáng tiếc, “danh hiệu vẻ vang” dường như khó có thể cứu được rừng nơi đây.
Kỳ 2: Áp lực rừng di sản
Niềm tự hào…
Những con số thực tế đo đếm được cũng đã xứng đáng để người ta phải thốt lên rằng Phong Nha – Kẻ Bàng quả có được những vị thế độc tôn mà các hệ thống các-x-tơ (*) khác trên thế giới không có được, nhưng rõ ràng là những gì đã biết chưa thấm so với khối tri thức khổng lồ mà con người chưa khai phá.
Chẳng thế mà các chuyên gia nghiên cứu hang động hàng đầu từ Anh quốc xa xôi vẫn tự bỏ tiền túi, bỏ công sức hàng năm lặn lội sang Việt Nam tiếp tục những hành trình mày mò khám phá khối núi đá vôi lớn nhất Đông Dương và có tuổi cổ nhất vùng Đông Nam Á này.
Biết bao nhà nghiên cứu đa dạng sinh học trong nước, ngoài nước vẫn hăng hái và miệt mài trụ với Phong Nha – Kẻ Bàng đằng đẵng nhiều năm trời, đem theo niềm tin sẽ mang đến cho khoa học những phát hiện mới.
Theo chân họ là các hãng truyền thông quốc tế, không dễ gì những người có đầu óc tính toán nhanh nhạy ấy bỏ ra hàng đống tiền để làm những thước phim về Phong Nha Kẻ Bàng, mà không kỳ vọng chớp được những khuôn hình, những khoảnh khắc thiên nhiên kỳ thú có một không hai.
Rừng Phong Nha – Kẻ Bàng phát triển phần lớn trên nền núi đá vôi. Ngoài yếu tố địa lý vùng miền chi phối, những loài động, thực vật ở đây còn có tính đặc thù riêng của một hệ sinh thái gắn với vùng đá vôi, với những cây gỗ thịt có hệ thân rễ bạnh vè, chắc khỏe bám trụ khe đá, đa dạng các loài phong lan, bò sát, linh trưởng…
Năm 1986, rừng Phong Nha-Kẻ Bàng được đưa vào hệ thống rừng đặc dụng của cả nước theo Quyết định số 194/CT ngày 09/08/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) với diện tích 5.000 ha.
7 năm sau, rừng đặc dụng Phong Nha được nâng lên thành Khu bảo tồn thiên nhiên theo Quyết định số 964/QĐ-UB ngày 03/12/1993 của UBND tỉnh Quảng Bình. Diện tích mở rộng gấp 8 lần, thành 41.132 ha.
Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 189/2001/QĐ-TTg ngày 12/12/2001, chuyển hạng Khu bảo tồn Phong Nha – Kẻ Bàng thành vườn quốc gia, quy hoạch diện tích rộng gấp hơn 2 lần, nay là 85.754 ha.
Trái với nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn khác – qua mỗi lần rà soát, quy hoạch lại là mỗi lần diện tích rừng bị cắt xén, thu hẹp đáng kể, việc nâng hạng rừng đặc dụng Phong Nha – Kẻ Bàng cùng với mở rộng diện tích bảo tồn cho thấy các nhà lãnh đạo đã thực sự thừa nhận giá trị và tiềm năng của cụm di sản này.
Dữ liệu khoa học về VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết đây là một trong những vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu. Ở độ cao lớn, nơi đây còn sở hữu nhiều cánh rừng khá nguyên vẹn, độ che phủ cao.
Theo Th.S Nguyễn Văn Huyên, PGĐ Ban quản lý Vườn, sau 10 năm hợp tác với Vườn thú Cologne của Đức, các nhà khoa học đã công bố 14 loài bò sát lưỡng cư, đáng chú ý có Tắc kè Phong Nha (Cyrtodactylus phongnhakebangensis) và rắn lục Trường Sơn (Trimeresurus truongsonensis) là những loài đặc hữu. 10 loài cá mới được tìm thấy cũng góp phần đưa vườn quốc gia trở thành nơi đa dạng loài cá nước ngọt của Việt Nam.
Việc phát hiện quần thể Bách xanh núi đá cùng 3 loài lan Hài dưới tán của nó đã thu hút sự chú ý của các nhà bảo tồn quốc tế. Quần thể Bách xanh được nhắc đến chính là cánh rừng bách xanh chiếm ưu thế nguyên sinh lớn nhất còn lại ở Việt Nam, được xác định tồn tại trên 500 năm và có giá trị rất lớn về bảo tồn trên toàn cầu.
Trong số 10 loài linh trưởng có mặt ở Phong Nha Kẻ Bàng có tới 4 loài được xếp vào danh sách loài nguy cấp của thế giới, đó là Vượn đen má trắng, Voọc đen tuyền, Voọc ngũ sắc và Voọc Hà Tĩnh. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Tổ chức Động thực vật hoang dã thế giới (FFI) đã phát hiện ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa loài chuột đá (Laonastes aenigmamus). Thú vị ở chỗ, dựa mẫu hóa thạch của chúng, 6 năm trước đây, các nhà khoa học khẳng định rằng chúng đã tuyệt chủng từ 11 triệu năm trước.
… đi cùng những áp lực
Mở rộng diện tích rừng đặc dụng cũng có nghĩa là trách nhiệm của Ban quản lý và kiểm lâm càng lớn hơn. Cùng với sự ra đời của Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, hơn 288 ngàn ha vùng đệm cũng đã được thiết lập. Đây là địa bàn của 10 xã có đất nằm trong Vườn hoặc có ranh giới tiếp giáp với Vườn, với hơn 5 vạn dân tính đến giữa năm 2008.
Phong Nha – Kẻ Bàng không nằm ngoài khó khăn chung của tất thảy hệ thống rừng đặc dụng, đó là áp lực đói nghèo và phụ thuộc tài nguyên rừng của người dân vùng đệm. Không ít dự án hỗ trợ công tác bảo tồn và phát triển vùng đệm với tổng đầu tư lên tới con số hàng chục triệu đô đã rót vào, nhưng dường như chưa thấm.
Lâu nay, người ta vẫn kỳ vọng vùng đệm sẽ là vùng bao bọc, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ, bảo tồn rừng đặc dụng, là vùng chuyển tiếp giữa rừng được quản lý nghiêm ngặt với khu vực dân sinh. Nhưng đó dường như mới chỉ là lý thuyết, vì trên thực tế hầu hết các vùng đệm không giữ được vai trò “đệm” của mình mà hoàn toàn bị chi phối bởi các lợi ích kinh tế, xã hội trước mắt, nếu không muốn nói rằng với một bộ phận dân cư họ vẫn phải chằm chặp dựa vào rừng bảo vệ nghiêm ngặt để duy trì nhu cầu cơ bản của cuộc sống, với một bộ phận khác, đó là miếng bánh ngon vẫn còn cơ hội để tiếp tục gặm nhấm.
Ông Phạm Hồng Thái, Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết dù công tác tuyên truyền nhận thức và kêu gọi người dân cùng bảo vệ rừng được đẩy mạnh hàng năm nhưng bà con vẫn vào rừng lấy gỗ làm nhà, đóng giường, bàn ghế, bán lấy tiền cho con em ăn học…
Những điều đó là có thật, nhưng rất nhỏ bé so với sự càn quấy đang diễn ra mạnh mẽ xung quanh và ngay trong lòng di sản. Còn nhớ câu chuyện cách nay vài năm, khi quy hoạch phát triển Vườn ngấp nghé được đưa ra, ở một số nơi lân cận người ta đã hừng hực đón đầu bằng việc cắt xẻ, chia chác, mua đi bán lại đất đai, tự phát đầu tư dịch vụ, xây dựng này nọ… Và chỉ cách đây ít ngày, một tờ báo Trung Ương đã đăng loạt bài báo động về tình trạng nóng bỏng săn bắt thú rừng, khai thác tài nguyên vùng di sản, vốn là câu chuyện nối tiếp lời cảnh báo của họ cách đây hai năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được hoàn thành hai năm trước cũng đã có lúc bị biến thành tuyến đường vận chuyển gỗ lậu đi tiêu thụ.
Tôi đem thắc mắc hỏi ông Thái: “Vậy áp lực quản lý bởi mang danh Di sản thiên nhiên thế giới thì sao?”, và nhận được câu trả lời rất chung chung: “Sau khi đổi mới, đất nước phát triển, Quảng Bình có rừng, có biển, nhưng dù có quảng bá cao siêu đến mấy thì cả thế giới cũng ít người biết đến Quảng Bình. Giờ có Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản cả nước biết, thế giới biết. Có thể nói Phong Nha – Kẻ Bàng là cầu nối với thế giới, chúng ta phải giữ. Không riêng gì ngành Kiểm lâm mà các ngành chức năng khác cũng rất quan tâm nên phần nào áp lực được chia sẻ cùng các ngành khác”.