Chính sách mới về thông tin của IFC bị chỉ trích

ThienNhien.Net – Là một trong năm thành phần cơ bản của Nhóm Ngân hàng Thế Giới, Tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC giương cao sứ mệnh góp phần vào phát triển bền vững và giảm nghèo tại các nước đang phát triển thông qua thúc đẩy khu vực tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù có đóng góp không nhỏ, nhưng mặt khác IFC cũng vấp không ít ý kiến phê phán của các tổ chức hoạt động xã hội về tính minh bạch và công khai đối với các dự án mà tổ chức này cung cấp tín dụng.

Mới đây, IFC công bố Chính sách tiếp cận thông tin (AIP) mới. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ tháng 1 năm 2012. Tuy nhiên, đánh giá của Dự án Bretton Woods, một mạng lưới chuyên giám sát tính minh bạch, trách nhiệm của Nhóm Ngân hàng Thế Giới cho rằng chính sách mới của IFC thua xa so với những cam kết hiện tại(*) của “người anh song sinh” – Ngân hàng Thế giới (WB)  – chuyên quản lý các khoản tín dụng và viện trợ cho khu vực công.

(*) Chính sách tiếp cận thông tin năm 2010 của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên 5 nguyên tắc chính:1- Tối đa hóa việc tiếp cận thông tin bằng cách công bố mọi thông tin liên quan đến hoạt động của Ngân hàng (ngoài những loại thông tin được liệt vào danh sách ngoại lệ) để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tiến trình phát triển.2- đưa ra danh sách ngoại lệ rõ ràng nhằm tránh gây tổn hại cho các bên.3- Bảo vệ tiến trình thảo luận và chỉ công khai những quyết định, kết quả, hiệp ước ra đời sau các cuộc thảo luận.

4 – Công bố thông tin theo một trình tự cụ thể và chỉ từ chối công bố khi giải thích được lý do.

5 – Chấp nhận quyền khiếu nại của những đối tượng yêu cầu nếu Ngân hàng từ chối công bố thông tin cần thiết mà không có lý do và dẫn dắt quá trình phúc thẩm theo hai giai đoạn: hội đồng phúc thẩm nội bộ và hội đồng phúc thẩm độc lập.

Theo khung bền vững của IFC, các quy định hướng vào việc công khai, cởi mở các thông tin về dự án mà IFC cung cấp tín dụng, trừ trường hợp rất ngoại lệ – khi ấy IFC sẽ phải cân nhắc để tránh làm tổn hại đến đối tác. Song, lỗ hổng cũng bắt đầu từ chính sự ngoại lệ này. Chính sách mới viện lẽ “tính nhạy cảm thương mại và bí mật thông tin trong kinh doanh” đã tạo ra đặc quyền không công bố thông tin về các khách hàng, các quốc gia thành viên cũng như các bên có liên quan đến các hoạt động đầu tư của IFC.

Toby McIntosh, thành viên Ban điều hành Sáng kiến Minh bạch Toàn cầu (GTI) cho biết: “Việc đưa ra ngoại lệ cần xuất phát từ việc cân nhắc tác hại do công bố thông tin gây ra chứ không phải do người tạo ra hoặc cung cấp nguồn tin ấy. Phủ một lệnh cấm công bố thông tin đối với các bên liên quan cũng có nghĩa IFC chà đạp lên chính những quy chuẩn được thừa nhận của mình, khiến cho chính sách tiếp cận chính sách thông tin của họ trở nên vô nghĩa”.

Các đàm phán giữa IFC với các khách hàng trước khi ra quyết định, theo chính sách tiếp cận thông tin mới, sẽ không được tiết lộ. Phạm vi loại trừ công bố ra công chúng bao gồm cả các nghiên cứu, báo cáo, kiểm toán, đánh giá hay phân tích được chuẩn bị để báo cáo cho bộ phận ra quyết định của IFC.

Điều này cũng có nghĩa những người bị ảnh hưởng hoặc liên đới sẽ không hoặc khó có thể tiếp cận thông tin đến khi các dự án đã lên khuôn. Bình luận về điều  này, Mariana Gonzalez thuộc tổ chức NGO Fundar tại Mexico cho rằng “như vậy là quá trễ, không đảm bảo được quyền cơ bản của người dân và khó tránh được nhiều tổn thất”

Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia giám sát hoạt động của Nhóm Ngân hàng Thế giới, chính sách mới của IFC mặc dù chưa đưa vào thực tiễn nhưng đã thể hiện những thiếu sót lớn, thể hiện sự cam kết yếu ớt về trách nhiệm của thể chế tài chính này đối với xã hội và cộng đồng trên khía cạnh minh bạch và công khai thông tin. Ngoại lệ đối với việc thực thi chính sách quá rộng, bao hàm nhiều thông tin quan trọng mà lẽ ra công chúng có quyền được biết và tham gia. Việc không đánh giá cao chính sách mới của IFC kéo theo nghi ngại của các chuyên gia về tính khả thi của những cam kết và những nỗ lực khác của IFC.

Ảnh minh họa: lda.brandenburg.de

Tuy cũng đi theo con đường của WB với những nỗ lực cải thiện tính minh bạch, nhưng IFC vẫn không thể vượt qua những điểm yếu của khu vực tư nhân. Vô hình chung, sự thu hẹp, hạn chế quá mức việc tiếp cận thông tin trong chính sách tiếp cận thông tin của IFC đã làm suy yếu cam kết minh bạch nói chung của Ngân hàng Thế giới, tạo rào cản đối với việc tiếp cận, tham gia của các bên liên quan cũng như các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn của các thể chế tài chính này.

Đầu tư của IFC tại Việt Nam:Trong giai đoạn 1994 – 1999, IFC đã cam kết cấp vốn cho 21 dự án tại Việt Nam với tổng giá trị 1,5 tỷ USD. Đồng thời, thể chế tài chính này còn hỗ trợ cho các dự án thông qua các khoản vay và đầu tư vốn cổ phần trị giá lên tới 581 triệu USD, trong đó có 320,4 triệu USD do kêu gọi các ngân hàng cùng tham gia.

Năm 2005, Việt Nam có 33 dự án nhận tín dụng của IFC. Riêng trong năm nay, đầu tư của IFC vào Việt Nam đạt 800 triệu USD, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghiệp xi măng, thép, cơ sở hạ tầng đến nông nghiệp, du lịch và các dịch vụ tài chính.

Hỗ trợ của IFC hướng tới tăng cường sự tiếp cận tài chính, hỗ trợ cải cách ngân hàng, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các chuẩn mực toàn cầu và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, IFC cũng tích cực cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực phát triển thị trường vốn và thu hút đầu tư nước ngoài.