ThienNhien.Net – Xayaburi là dự án dòng chính đầu tiên được đề xuất xây dựng ở hạ nguồn Mê Kông, cũng là dự án đầu tiên thực hiện quy trình tham vấn theo Hiệp định hợp tác Mê Kông mà bốn nước hạ lưu đã ký kết năm 1995. Đến nay, khi quá trình thông tin, tham vấn và đánh giá về dự án này được cho là vẫn còn nhiều lỗ hổng thì từ đó người ta cũng soi rọi ra rất nhiều khoảng trống pháp lý trong quy chế hợp tác của bốn nước hạ nguồn Mê Kông dưới Hiệp định 1995. Liên quan đến vấn đề này, xin được giới thiệu tới quý độc giả bài viết dưới đây của luật sư Daniel King, Giám đốc Chương trình Luật Đông Nam Á thuộc Tổ chức Earth Right International.
Quyết định chiến lược quan trọng và cấp thiết nhất về dòng sông chung Mê Kông mà các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đang phải đối diện là liệu có nên xây dựng thủy điện Xayaburi ở Lào không. Nếu dự án này được triển khai thì khả năng 5 đập khác trên đất Bắc Lào sẽ theo đó được xây dựng là rất thực tế. Bậc thang thủy điện này sẽ cung cấp nguồn lợi kinh tế cho Lào và điện năng cho Thái Lan, song nó cũng đồng thời tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Campuchia và Việt Nam ở hạ nguồn.
Dưới Hiệp định Mê Kông năm 1995, bốn nước thành viên MRC đã thống nhất: “Hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng, bảo tồn và quản lý nguồn nước lưu vực Mê Kông cùng các tài nguyên liên quan”.
Khi sự ổn định của khu vực hạ lưu Mê Kông đang bị đe dọa, việc ra quyết định ở cấp khu vực cần phải được dựa trên một khung thể chế và pháp lý có thể giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, giữa an ninh lương thực và an ninh năng lượng, giữa hợp tác đa phương và chủ quyền quốc gia.
Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý để thúc đẩy quá trình đưa ra một quyết định mang tính hợp tác theo Hiệp định 1995 dưới sự bảo trợ của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) hiện là chưa đủ để thực hiện tinh thần của Hiệp định. Theo đó, có hai điểm quan trọng cần được thực hiện trong thủ tục tố tụng liên quan đến dự án đập Xayaburi.
Thứ nhất, Lào phải được ràng buộc về mặt pháp lý trong việc cung cấp cho các nước hạ lưu tất cả các thông tin liên quan cần thiết để đưa ra một quyết định sáng suốt về dự án.
Báo cáo Đánh giá Môi trường chiến lược về thủy điện dòng chính (SEA) do MRC ủy thác thực hiện và Báo cáo tổng kết Tham vấn Dự án Xayaburi đều khẳng định rằng những điều không chắc chắn và những lỗ hổng thông tin về tác động của các đập dòng chính là rất lớn. Theo đó, báo cáo SEA đã đề xuất hoãn xây đập 10 năm để thực hiện các nghiên cứu sâu hơn. Báo cáo riêng do Lào thực hiện, nằm ngoài khung pháp lý của MRC, hiện vẫn chưa được công bố công khai, vì thế không thể giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề còn tồn đọng. Chính phủ Lào do vậy vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ cung cấp đầy đủ dữ liệu về tác động của dự án Xayabrui để tạo điều kiện cho việc đưa ra một quyết định sáng suốt.
Đồng thời, vì nghĩa vụ pháp lý quốc tế quy định một quốc gia không có quyền gây tác động môi trường xuyên biên giới, nên Lào cũng phải có nghĩa vụ thực hiện Đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới (EIA) đối với dự án Xayaburi. Tuy nhiên, điều này chưa hề được thực hiện.
Thái Lan sẽ nhận được 96% lượng điện do dự án Xayaburi sản xuất và nếu không có vai trò của họ, dự án có thể không được triển khai. Vì vậy, Thái Lan cũng có cùng nghĩa vụ quốc tế trong việc cung cấp EIA xuyên biên giới. Đến nay, mặc dù các nghĩa vụ pháp lý cho quá trình đánh giá này chưa được thực hiện, song MRC không có quyền pháp quy độc lập để bắt buộc một quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình dưới Hiệp định 1995.
Thứ hai, ngay cả khi Lào và Thái Lan đã cung cấp tất cả các thông tin cần thiết theo yêu cầu pháp lý, thì hai nước vẫn có thể tiến hành xây đập, đi ngược lại mong muốn của Campuchia và Việt Nam dưới Hiệp định 1995. Kết cục này không phù hợp với tinh thần hợp tác được ghi nhận trong Hiệp định và đã được bốn quốc gia khẳng định tại hội nghị Hua Hin, Thái Lan, tháng 4/2010.
Trong khoảng một tháng tới MRC sẽ có một cuộc họp quan trọng. Và điều MRC cần làm trước tiên là đảm bảo rằng Lào sẽ tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của mình trong việc cung cấp tất cả các dữ liệu cần thiết cho quá trình ra quyết định, bao gồm cả báo cáo EIA xuyên biên giới và tác động tích lũy của cả hệ thống đập.
Thứ nữa, do những rủi ro tiềm tàng từ các đập thủy điện dọc sông Mê Kông và những thiếu sót hiện nay trong thủ tục pháp lý của Hiệp định 1995, Hội đồng cũng nên rà soát lại các khuôn khổ pháp lý và thể chế của Hiệp định này. Quá trình này có thể cân nhắc đến các kết luận và khuyến nghị của báo cáo SEA về cải cách pháp lý và thể chế, đồng thời với việc soạn thảo các điều khoản bổ sung. Việc đánh giá lại Hiệp định là rất cần thiết để đảm bảo sẽ có một thủ tục pháp lý thỏa đáng giúp cân bằng nhu cầu và các lợi ích phức tạp của các nước hạ nguồn Mê Kông.
Nếu bốn nước hạ lưu Mê Kông hoạt động chặt chẽ và hợp tác hơn trong quản lý nguồn nước, họ sẽ không chỉ có cơ hội cải thiện quan hệ tương lai về quản lý Mê Kông, mà còn có thể tạo thành một khối để đàm phán hiệu quả hơn với Trung Quốc, quốc gia đến nay vẫn từ chối ký Hiệp định hợp tác và cung cấp đầy đủ thông tin về bậc thang thủy điện dòng chính xây dựng trên thượng nguồn Mê Kông.