ThienNhien.Net – Ngày 5/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Liên hiệp các tổ chức Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm về cây trồng biến đổi gen.
Hiện Việt Nam đang nhập khẩu trên 2 triệu tấn khô dầu đậu tương và 1,6 triệu tấn ngô, trong đó đa số là ngô biến đổi gen.
Theo số liệu của Cơ quan Dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA), cho đến năm 2010, 15 năm sau khi giống cây biến đổi gen được trồng lần đầu tiên, đã có có 29 quốc gia trồng giống cây này.
Tổng diện tích cây trồng biến đổi gen trên thế giới là 149 triệu ha, trong đó 3 loại cây trồng chiếm diện tích lớn nhất là đậu tương (73,3 triệu ha), ngô (46,8 triệu ha), và bông vải (21 triệu ha). Hiện đã có 59 nước sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, công nghệ biến đổi gen có thể tạo ra cây trồng có nhiều đặc tính mong muốn như kháng sâu bệnh, cỏ dại, chống chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tăng hàm lượng dinh dưỡng…
Cho đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành 2 bước khảo nghiệm các giống ngô biến đổi gen trên diện hẹp và diện rộng để đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường trên đồng ruộng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, các cơ sở pháp lý để sử dụng giống cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam đã được xây dựng và tương đối hoàn chỉnh, lộ trình sử dụng giống cây trồng này cũng được xác định chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thận trọng.
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cho phép khảo nghiệm ba loại cây là ngô, đậu và bông vải, đây là ba loại cây biến đổi gen trên thế giới trồng nhiều và cũng là sản phẩm mà Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn.
Hiện Bộ không có chủ trương phát triển cây trồng biến đổi gen đối với nhóm cây xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, chè, cây ăn quả…
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng bày tỏ, các thái cực lựa chọn hoặc dứt khoát từ chối hoặc tiếp thu một cách dễ dãi, tùy tiện đều chưa phải là cách tiếp cận hay.
Do đó, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học Việt Nam đồng thuận phương thức tiếp cận đối với giống cây trồng biến đổi gen một cách tích cực nhưng thận trọng, tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, tranh thủ kinh nghiệm của các nước.