ThienNhien.Net – Thiên nhiên là xương là thịt là máu của một đất nước – Thiên nhiên là ai – là đất là rừng là sông là nước là biển là tất cả muông thú, cây con. Giữa con người và thiên nhiên là một mối giao hòa, là sự nương tựa lẫn nhau để cùng tồn tại – không có con người thiên nhiên vẫn tồn tại nhưng chắc buồn lắm, nhưng không có thiên nhiên- chẳng cần bài toán được mất – có thể khẳng định ngay con người không thể tồn tại!
Ngày xưa khi con người còn thưa thớt, mọi nhu cầu đều lấy được từ thiên nhiên- thiên nhiên là điều gì đó thiêng liêng. Ứng xử của con người với thiên nhiên – coi thiên nhiên là thiêng liêng – là người mẹ nuôi sống mình đến ngày nay vẫn tồn tại ở nhiều bộ tộc người sống gần gũi với thiên nhiên.
Trong thế giới hiện đại – chẳng ai thích ăn lông ở lỗ, ai cũng muốn nhà đầy đủ tiện nghi- điện sáng trưng-nước tràn trề. Ở đô thị ngày nay, từ những người trung lưu đến những người giàu có và cả những người những người có chút điều kiện – tuy xa thiên nhiên (trừ miếng đất nho nhỏ, mảnh trời con con), có điều kiện là ai cũng muốn có hòn non bộ, có suối nho nhỏ và có cây cảnh càng nhiều càng tốt và có vài con chim trong lồng hót vui mỗi buổi bình minh – con người ai cũng yêu cũng muốn có thiên nhiên.
Không biết người viết bài này có “nóng đầu” hay không mà đem những điều vớ vẩn ra lên mặt với đời lúc này. Chắc là cũng có một chút đấy- tuy nhiên, đây cũng là một chút tâm tình khi nghe được và đọc được những gì mà Hội Bảo vệ Thiên nhiên (VACNE) gửi các cơ quan chức năng đề nghị cho làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Thủy điện chẳng có lỗi gì cả. Thủy điện đã cung cấp trên 19% sản lượng điện trên thế giới, 1/3 các quốc gia trên thế giới dựa vào thủy điện để cung cấp hơn một nửa sản lượng điện của họ (ở Việt Nam trên 30%). Tuy nhiên có một thực tế là đập lớn đã chia cắt và biến hình các dòng sông của thế giới (Ủy ban Thế giới về Đập -WCD-2000).
Đất nước ta đang trong thời kỳ phát triển và phát triển mạnh mẽ- điều đó đã rõ- kinh tế chúng ta đang phát triển- đời sống người dân đang ngày càng khấm khá lên. Dân số chúng ta cũng ngày một gia tăng, ta đã đứng trong tốp 20 nước có dân số đông trên hành tinh. Nhu cầu phục vụ cho con người- cho phát triển kinh tế xã hội tăng. Chúng ta trông vào đâu để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng đến chóng mặt nhu cầu kia? Chính là thiên nhiên! Không ai khác.
Nhưng trời đất ban tặng cho chúng ta đất không rộng- rừng không nhiều, nước không dồi dào. Vì vậy, phát triển bền vững là con đường đi không thể khác cho các thế hệ hôm nay và mai sau! Nhưng nhìn thực trạng thiên nhiên đất nước ngày nay thực sự đáng lo ngại. Nếu chỉ nói đến sông suối, nước non – tài nguyên mà thế giới ngày nay gọi là động mạch chủ là máu của cuộc sống của một dân tộc-đất nước, thì chỉ một hai thập kỷ trước còn trong xanh, nay đã tắc nghẽn- đã bị ô nhiễm đến mức không thể tin nổi.
Hầu hết các con sông lớn đã được cắt khúc để xây hồ-xây đập chủ yếu phục vụ cho phát điện. Cùng với việc xây đập và hồ là nhiều diện tích đất, nhiều diện tích rừng được thay bằng mặt nước – muông thú tất phải xa rời nơi bản địa để tìm đường sinh sống. Thiên nhiên bị thay đổi (không dám nói là bị tàn phá) từng ngày, từng giờ để thỏa mãn cho nhu cầu của con người.
Phát triển là tất yếu, nhưng phát triển bền vững để chúng ta, con cháu chúng ta cùng thiên nhiên tồn tại bền vững là vấn đề. Mục tiêu bảo vệ thiên nhiên được nhà nước ta đưa vào rất, rất nhiều bộ luật. Những người hiểu biết luật pháp nhất về bảo vệ thiên nhiên chắc không ai khác là các nhà khoa học- các nhà bác học về thiên nhiên. Đất nước, người dân trông chờ vào kiến thức uyên thâm của họ để nói lên tiếng nói bảo vệ thiên nhiên. Có như vậy mới có đối trọng để giúp cho các nhà ra quyết định có được những quyết định sáng suốt khi muốn can thiệp vào thiên nhiên.
Bài toán được-mất là bài toán của những người thay mặt dân ra quyết định. Tôi tin chắc rằng bài toán được-mất – xây hay không nên xây một hoặc hai hoặc nhiều công trình có tác động đến thiên nhiên không phải là nhiệm vụ của những người bảo vệ thiên nhiên. Đã là nguời bảo vệ thiên nhiên thì một cây, một con cũng đáng giá, cũng cần tiếng nói bảo vệ, huống chi là hàng trăm ha rừng, nhiều loài động thực vật – mà lại là rừng nằm trong vườn quốc gia (luật pháp cấm rất nghiêm ngặt).
Nếu các nhà bảo vệ thiên nhiên nào cũng muốn làm kinh tế và muốn luận về công trình: kinh tế được nhiều mà thiên nhiên có mất thì cũng chỉ mất ít – cái lý thoạt nghe đã không thể không nhịn cười – thì người dân trông chờ ai để bảo vệ thiên nhiên đây!