ThienNhien.Net – Dễ nhận thấy giữa nền kinh tế hiện tại và các cuộc khủng hoảng hệ sinh thái có những điểm tương đồng rất đáng chú ý, đặc biệt là cả hai đều liên quan tới sự tiêu dùng quá mức và thiếu cân nhắc những tác động đối với các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, giờ vẫn chưa quá muộn để chúng ta tính đến những mô hình kinh tế và môi trường mới nhằm nhanh chóng xoay chuyển cục diện.
Mặc dù kinh tế (economy) và hệ sinh thái (ecology) thường “đối chọi” nhau nhưng chúng lại có chung gốc ngôn ngữ “eco”. “Eco” bắt nguồn từ một từ Hy lạp cổ đại, oikos, nghĩa là nhà hay gia đình. Cả hai từ đều liên quan đến nghệ thuật quản lý hay sự am hiểu gia đình hoặc môi trường nơi ta sống. Và bước sang thời đại này, mối liên kết giữa kinh tế và hệ sinh thái lại mang một ý nghĩa mới.
Hai cuộc khủng hoảng cùng chung nguyên nhân
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng nổ từ các khoản chi dùng quá mức của chính phủ và người tiêu dùng, đồng thời được tiếp tay bởi các chủ ngân hàng và các nhà tài phiệt giàu có thông qua việc phân phát khoản vay cho những người ít có khả năng hoàn trả, khiến nảy sinh các khoản nợ xấu.
Những món nợ xấu cũng có nhiều điểm giống với cách ta “đối đãi” với hành tinh này. Trong ngôi nhà toàn cầu, ngân hàng trung ương của chúng ta là môi trường tự nhiên, với nguồn tài sản quý báu là nước, gỗ, lương thực, khí hậu… Chúng ta đang nhận lấy những khoản tín dụng khi trồng cấy lương thực, đánh bắt cá hoặc kiếm lợi từ một hệ thống khí hậu đáp ứng nhu cầu của ta.
Nhận những khoản vay có khả năng trả đồng nghĩa với việc hoàn lại lợi tức dưới hình thức những nỗ lực quản lý bền vững, do đó nguồn vốn tự nhiên sẽ có thể phục hồi. Chẳng hạn như chúng ta chỉ đánh bắt đủ lượng cá có thể phục hồi trong các đại dương, chỉ khai thác đủ lượng gỗ rừng mưa có thể tái sinh được một cách tự nhiên trong một khoảng thời gian nhất định và điều chỉnh mức tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch để có thể sống trong các giới hạn an toàn về mức độ CO2 trong bầu khí quyển. Và điều này còn bao hàm cả việc đầu tư một cách thích đáng cho các loại hình công nghệ xanh.
Song, hệ thống quản lý ngôi nhà môi trường của loài người lại cố ý tạo ra những khoản nợ xấu hòng “qua mặt” ngân hàng trung ương tự nhiên và đẩy món nợ sang các thế hệ tương lai. Để khai thác nguồn lợi tự nhiên, chúng ta đã tự lập ra những nguyên tắc thanh toán và lờ đi những giá trị tài chính và sinh thái của các hệ sinh thái nguyên vẹn ban đầu. Tình trạng ấy thực tế đã diễn ra trong nhiều thập kỷ và tạo nên sự thịnh vượng của phương Tây như chúng ta thấy.
Tuy nhiên, các nhà sinh thái học đã nhận ra rằng loài người đang tiêu thụ các nguồn tài nguyên ở một phạm vi và tốc độ mà cần có 1,3 Trái đất mới đủ khả năng đáp ứng và phải có 4 – 5 hành tinh nếu tất cả 7 tỷ người trên Trái đất muốn sống theo kiểu phương Tây. Với ngày càng nhiều vấn đề về sinh thái, đã đến lúc chính chúng ta phải hoàn lại những gì đã vay mượn, hơn là đẩy chúng cho thế hệ con cháu chúng ta.
Có thể lấy ngay lượng phát thải CO2 theo đầu người làm ví dụ. Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa qua đã công khai xác nhận những kết quả tính toán của Viện Nghiên cứu Tác động của Khí hậu Potsdam (PIK), cho biết chúng ta đã rút bao nhiêu trong quỹ CO2 toàn cầu. Theo PIK thì từ giờ trở đi, trung bình một người không được thải quá 2 tấn CO2 mỗi năm để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Song trên thực tế, trung bình một người Trung Quốc đang thải ra 4 – 5 tấn/năm, một người Đức thải ra 11 tấn/năm và con số này ở người Mỹ là trên 20 tấn/năm. Nói cách khác, chúng ta đang rút quá nhiều trong quỹ CO2 theo hệ số gấp 2 – 10 lần.
Sống dựa vào đồng tiền – cái rồi cuối cùng cũng không tồn tại và sống dựa vào tài nguyên – cái không có khả năng tái phục hồi – chính là hai mặt của một vấn đề, cùng dẫn chúng ta tới cuộc sống túng thiếu sau này.
Các chương trình phục hồi kinh tế gần đây đã cho thấy phải khó khăn và tốn kém thế nào chúng ta mới có thể thúc đẩy nền kinh tế khởi sắc hơn, song phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Đối với những cánh rừng mưa, đại dương và hệ thống khí hậu toàn cầu, cho dù có thể làm được cũng sẽ rất hao tiền tốn của.
Một hậu quả thực sự đáng buồn từ các cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Hoa Kỳ và châu Âu là chúng ta đang hoang phí tiền của cần thiết để nuôi sống thế hệ trẻ. Các trường học, các chương trình tập huấn hướng nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu y sinh, các công ty công nghệ xanh và các dự án phục hồi môi trường đều cần ngân sách hoạt động mới mong duy trì được và đủ sức ứng phó với hàng loạt vấn đề loài người phải đối mặt. Tuy nhiên, điều ngược lại đang diễn ra. Việc con người phải sống túng thiếu vì tiêu thụ và khai thác tài nguyên quá mức sẽ buộc những thế hệ tương lai phải sống một cuộc sống còn khốn khó hơn nhiều, thậm chí còn không có cơ hội tiếp cận với giáo dục, khoa học và các loại hình công nghệ xanh.
Đâu là lối thoát?
Muốn cứu vãn cuộc khủng hoảng dai dẳng ấy nhất thiết phải có một mô hình kinh tế khắc phục được chu trình “bùng vỡ” các “bong bóng” nợ xấu đang tăng. Một mô hình như thế sẽ cần chi trả cho giáo dục và nghiên cứu cao hơn nhiều so với mức hiện thời và định giá lượng phát thải các-bon cũng như các dịch vụ hệ sinh thái để “tái sinh” các món nợ trả cho ngân hàng trung ương tự nhiên. Mô hình đó cũng đòi hỏi phải tích lũy của cải thông qua lao động chăm chỉ và sáng tạo thay vì đầu cơ và đi vay nợ.
Dấu hiệu của mô hình trên đang xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Giờ đây, thay vì sở hữu nhà, xe quá lớn, dùng thức ăn công nghiệp, tiêu thụ điện quá mức… con người đang tìm kiếm niềm vui từ những giá trị khác. Đây là phản ứng rất lành mạnh xuất phát từ những cá nhân, nhưng quan trọng là làm sao để các chính trị gia và các nhà quản lý cũng nghĩ được như vậy.
Gần đây nước Đức đã ban hành một đạo luật tiến tới cấm các món nợ mới của chính phủ. Cũng trong thời gian này, Đức đang nhanh chóng tăng cường các khoản chi tiêu của bang cho nghiên cứu và cố gắng đảm bảo năm 2030, một nửa nhu cầu điện năng của cả nước sẽ được cung cấp từ các nguồn tái tạo. Nhiều quốc gia khác, bao gồm Hàn Quốc và Costa Rica, cũng đang suy xét lại mô hình kinh tế của họ nhằm đảm bảo rằng thịnh vượng không đồng nghĩa với kiệt quệ tài nguyên và vốn sinh thái.
Việc mà con người cần làm hiện nay là nhân rộng ý tưởng, sáng kiến về một mô hình kinh tế và môi trường mới trên toàn cầu, kết hợp “eco” trong kinh tế và hệ sinh thái để từ đó, nguồn vốn sẽ chảy thành những nguồn đầu tư xanh, bền lâu, tân tiến và có khả năng phục hồi.