Thế giới chia rẽ trong kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Với hy vọng “giải cứu” cuộc đàm phán khí hậu đang bế tắc, Úc và Na Uy đã đưa ra một đề xuất nhằm đạt được một Nghị định mới về khí hậu vào năm 2015. Tuy nhiên ý tưởng này đang vấp phải phản đối từ các nước đang phát triển, vốn vẫn ủng hộ kéo dài hiệu lực của Nghị định thư Kyoto.

Kế hoạch mới nhằm đối phó với sự nóng lên toàn cầu theo đề xuất của Úc và Na Uy đang có nguy cơ trở thành đề tài tranh cãi, gây chia rẽ các quốc gia phát triển và đang phát triển, tạo khó khăn cho mục tiêu đạt được một kết quả tốt đẹp cho các cuộc đàm phán về số phận của Nghị định thư Kyoto.

Đề xuất này đang được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của 194 quốc gia tại Panama từ ngày 1-10/9/2011, vòng đàm phán cuối cùng chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ diễn ra tại Durban vào cuối năm nay.

Đề xuất được đệ trình lên Ban thư ký Liên hiệp quốc hồi tháng 9 với lời kêu gọi các nền kinh tế lớn tăng cường các hoạt động giảm khí thải; đồng thuận với cách thức công khai và tiêu chuẩn hóa các quy trình và mục tiêu giảm thải để có thể so sánh và giám sát một cách công bằng nỗ lực giảm thải của tất cả các nước.

Hai nước đưa ra đề xuất này cũng nhận định rằng kế hoạch của họ khó có thể khả thi vào năm 2013 và đề xuất mục tiêu thực hiện vào năm 2015.

Trong khi thế giới đang bế tắc khi Nghị thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012 trong khi đạt được một thỏa ước mới, kế hoạch do Úc và Na Uy đề xuất cũng đang nhận được những luồng ý kiến khác nhau.

Vì Nghị định thư Kyoto chỉ đề cập đến trách nhiệm giảm thải của các quốc gia giàu, các quốc gia đang phát triển khăng khăng cho rằng Nghị định này cần được kéo dài thời gian hiệu lực để buộc các nước giàu cam kết cắt giảm khí thải nhiều hơn nữa, đồng thời kiên quyết phản đối mọi nỗ lực nhằm tạo ra các thỏa ước khác. Trong khi đó, các nước giàu lại cho rằng một hiệp ước bao quát hơn, quy định trách nhiệm của tất cả các quốc gia phát thải lớn là cần thiết.

Tính tới giữa tháng 8, nước Mỹ đã thiệt hại tới 35 tỷ USD do các thảm họa thời tiết trong năm, chưa tính tới thiệt hại trong cơn bão Irena cuối tháng 8 (Ảnh: foreignnews.eu)

EU bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất này. Ông Artur Runge-Metzger, trưởng đoàn đàm phán khí hậu của EU, cho biết, điều quan trọng là Hội nghị Durban phải thống nhất xây dựng một khung pháp lý mới về khí hậu cho tất cả các nước, đặc biệt là với cả Mỹ và các nước lớn đang phát triển

Cũng dễ hiểu quan điểm của các nước phát triển vì hiện nay Trung Quốc phát thải ¼ lượng khí thải nhà kính toàn cầu và là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, trong khi các giải pháp giảm thải của nước này, như thúc đẩy hiệu suất năng lượng và các tiêu chuẩn nhiên liệu, chỉ mới chỉ mang tính tự nguyện.

Trong khi đó, các quốc gia dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu như các quốc đảo lại mong muốn các quốc gia phát thải lớn tăng cường giảm thải và Nghị định thư Kyoto tiếp tục có hiệu lực. Họ không ủng hộ Úc và Na Uy vì cho rằng đề xuất của hai nước này sẽ trì hoãn các hành động đối phó với biến đổi khí hậu. “Đó chỉ là một món quà cho Hoa Kỳ”, ông Ian Fry, trưởng đoàn đàm phán của quốc đảo Tuvalu phát biểu.

Ấn Độ, quốc gia phát thải carbon lớn thứ 3 thế giới, cũng kiên quyết phản đối đề xuất trên khi cho rằng kế hoạch này đi xa khỏi trọng tâm của Nghị định thư Kyoto.

Còn Mỹ, nước phát thải lớn thứ hai thế giới vốn chưa từng thông qua Nghị định thư Kyoto thì cho rằng Nghị định này thật thiếu xót khi không buộc các nền kinh tế lớn đang phát triển có trách nhiệm phải giảm thải.  Và vì vậy nước Mỹ vẫn cho rằng cần phải có một khung pháp lý công bằng ít nhất là buộc các nước lớn đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… phải giảm thải.

Trong khi bàn đàm phán còn đang nóng lên với nhiều tranh cãi thì các số liệu thống kê cho thấy thế giới cũng đang nóng lên khi mà khí thải vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Và hệ quả là, theo dự đoán của các nhà khoa học, các trận lụt lội tương tự như thảm họa ở Paistan khiến hàng triệu người phải dời bỏ nhà cửa hồi năm ngoái có thể trở nên phổ biến hơn, đi đôi với sự gia tăng cường độ của các cơn bão Đại Tây Dương và các đợt cháy rừng.

Sự thất bại của một thỏa ước khí hậu mới có thể dẫn tới việc các quốc gia chỉ cam kết thực hiện các hoạt động giảm thải mang tính chất tự nguyện vốn không hứa hẹn trở thành cú phanh hãm đối với biến đổi khí hậu. Điều này cũng làm suy yếu các nỗ lực đưa ra các chính sách kiên quyết hơn nhằm thúc đẩy nguồn nhiên liệu sạch và năng lượng xanh.