ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung vốn, điều chỉnh quy mô và kéo dài thời gian thực hiện Dự án “Phát triển ngành Lâm nghiệp” như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Vốn bổ sung cho dự án là 30 triệu USD do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Tổng vốn ODA của Dự án sau khi bổ sung là 99,8 triệu USD.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan và WB hoàn thiện văn kiện, chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt văn kiện dự án theo quy định hiện hành.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc điều chỉnh, gia hạn và bổ sung nguồn vốn cho dự án “Phát triển ngành Lâm nghiệp” là rất cần thiết. Hiện vẫn còn rất nhiều các hộ dân trong vùng dự án và một số tỉnh miền Trung khác có nhu cầu vay vốn để đầu tư trồng rừng.
Dự kiến, dự án sẽ mở rộng địa bàn sang hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Các hoạt động đánh giá hiện trường, lựa chọn địa bàn trồng rừng tại các địa phương này đã hoàn thành vào tháng 01/2011 (84 xã thuộc 13 huyện). Dự án tiếp tục triển khai thực hiện sẽ mang lại những cơ hội hết sức thuận lợi cho các hộ dân được tiếp cập nguồn vốn vay ưu đãi và các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật trong đầu tư trồng rừng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các tỉnh miền Trung.
Dự án có mục tiêu hỗ trợ thí điểm cấp chứng chỉ rừng cho khoảng 10.000 ha rừng trồng thương mại của các hộ gia đình. Chứng chỉ rừng đảm bảo cho việc quản lý rừng trồng một cách bền vững, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Khi rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ nâng cao một cách đáng kể giá trị của các sản phẩm từ rừng trồng, mở ra cơ hội cho các sản phẩm từ rừng trồng của dự án có thể tiếp cận với các thị trường mới có yêu cầu cao về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm như châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, việc đầu tư trồng rừng sản xuất cũng thiết thực góp phần bảo vệ môi trường như làm giảm hiệu ứng nhà kính; tăng diện tích che phủ cũng như chất lượng của rừng trồng sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, tăng độ phì của đất, tăng sức sản xuất cho đất từ đó góp phần chống nguy cơ sa mạc hóa tại các tỉnh của vùng duyên hải miền Trung Việt Nam; bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật, các nguồn gen quý hiếm của Việt Nam.