ThienNhien.Net – Theo báo cáo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Chính phủ đề nghị xác định diện tích đất trồng lúa là 3,8 triệu ha (giảm hơn 300 nghìn ha so với năm 2010), trong đó đất trồng lúa 2 vụ trở lên là hơn 3,2 triệu ha.
Căn cứ xác định diện tích đất trồng lúa là 3,8 triệu ha được Chính phủ dựa trên những tính toán về quy mô dân số (khoảng 100 triệu người), tổng lương thực cho nhu cầu cả nước với diện tích gieo trồng tối thiểu khoảng 7,3 triệu ha và theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2020.
Tại buổi cho ý kiến về Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011- 2015 cấp quốc gia diễn ra chiều 29/8, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đều đồng ý với mục tiêu này của Chính phủ.
Tuy nhiên, UBTVQH đều tỏ ra lo lắng về khả năng giữ được quy hoạch 3,8 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2020.
Diện tích đất nông nghiệp bị giảm chủ yếu do sự mở rộng của đất công nghiệp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng không thể không mở rộng đất công nghiệp vì nước ta đang hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mục tiêu năm 2020 cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ lo ngại về việc giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu thực hiện không tốt thì việc tăng diện tích đất công nghiệp (từ 72 nghìn ha năm 2010 lên 200 nghìn ha năm 2020) bằng việc mở các khu công nghiệp, nhà máy thì có nguy cơ vỡ quy hoạch đất nông nghiệp cũng như một số quy hoạch khác..
Một số ý kiến cho rằng không mở rộng đất công nghiệp ở khu vực đồng bằng mà đưa các khu công nghiệp lên khu vực miền núi, các khu vực ở phía Tây đường Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cũng giải trình rằng Chính phủ đã yêu cầu địa phương nào có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp trên 60% thì mới được mở thêm khu công nghiệp. Vừa qua nhiều địa phương xin mở thêm khu công nghiệp nhưng do không đạt chỉ tiêu này nên Chính phủ đã không đồng ý.
Ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng việc đất trồng lúa, đất nông nghiệp có nguy cơ bị giảm còn do tâm lý bệnh thành tích của lãnh đạo địa phương, muốn xây dựng nhiều công trình trên địa bàn trong nhiệm kỳ của mình… Do đó không nên tồn tại suy nghĩ này trong đội ngũ lãnh đạo.
Một số ý kiến khác cho rằng để giữ đất lúa không chỉ chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, Nhà nước cần hướng dẫn cho nông dân sản xuất tốt trên một đơn vị diện tích đất, tránh việc nông dân bỏ đất… Quan trọng hơn là có chính sách tổng thể hỗ trợ địa phương thiếu đất để phát triển kinh tế- xã hội.