ThienNhien.Net – Ngày 29/9, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp mạng tổ chức Hội thảo Thông tin vệ tinh phục vụ đánh bắt hải sản.
Tại Hội thảo, đại diện công ty Thuraya và công ty Addvalue đã giới thiệu hệ thống thông tin vệ tinh thông qua nền tảng GSM & GPS; giới thiệu thiết bị điện thoại vệ tinh với nhiều chức năng (gọi, fax, nhắn tin …); thiết bị thu phát sóng di động trên biển…
Điều đáng chú ý, các thiết bị này phù hợp với việc liên lạc trong mọi điều kiện thời tiết, chịu được khí hậu khắc nghiệt, thời gian sử dụng lâu…
Đặc biệt, trong Hội thảo đã giới thiệu thiết bị Seagull 5000i giao tiếp bằng giọng nói được hỗ trợ thêm tính năng định vị và theo dõi bằng GPS. Thiết bị với 3 bộ phận gồm một bộ phận thu phát sóng vô tuyến vệ tinh, tích hợp GPS, một modem vệ tinh và một máy thu phát cầm tay.
Ngoài gọi, nhắn tin, fax, Seagull 5000i còn giúp Trung tâm kiểm soát có thể lên cấu hình cho hệ thống để gửi các báo cáo vị trí theo định kì. Thiết bị cũng chịu được thời tiết khắc nghiệt từ -20 độ C đến 55 độ C.
Thiết bị sẽ báo thông tin về vị trí, đường đi, tốc độ… của tàu bè cho đơn vị giám sát của chính quyền. Khi tàu bè tiến vào những vùng ranh giới không được vượt qua, sẽ được nhà quản trị mạng thông báo để không vượt qua ranh giới.
Theo ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Hội thảo sẽ giúp các ngành chức năng cập nhật giải pháp, công nghệ về thông tin biển và phục vụ đánh bắt hải sản, phục vụ cho công tác quản lý, tham mưu đề xuất hoàn thiện hệ thống thông tin nhằm đảm bảo an toàn cho đánh bắt hải sản và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Được biết, hiện Đà Nẵng có 2.050 phương tiện nghề cá với trên 10.200 lao động và thường xuyên có trên 600 phương tiện nghề cá của các tỉnh lân cận hoạt động làm ăn neo đậu.
UBND thành phố cũng vừa có công văn đồng ý về việc thực hiện đề án triển khai phần mềm quản lý tàu cá của Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng từ năm 2012 với quy mô đầu tư 300 – 400 triệu đồng.