Biến đổi khí hậu đe dọa hòa bình – an ninh thế giới

ThienNhien.Net – Cách đây không lâu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (UNSC) đã lên tiếng thừa nhận rằng những tác động của biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh thế giới.

Sự thay đổi các xu hướng thời tiết sẽ ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng của các nguồn tài nguyên, mà điển hình là nước, và châm ngòi cho các xung đột nội bộ cũng như các xung đột liên quốc gia, liên khu vực. Thêm nữa, biến đổi khí hậu còn làm gia tăng mức độ xảy ra các thảm họa tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ gây xáo trộn, mất ổn định ở các khu vực, quốc gia dễ tổn thương. Rất có thể sắp tới, tình trạng mất an ninh lương thực, khủng hoảng năng lượng và di cư của con người sẽ cùng lúc bùng nổ, nhất là ở các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh chẳng có mối đe dọa nào đối với nhân loại nghiêm trọng hơn những thay đổi nhanh chóng của khí hậu thì bản tuyên bố của Hội đồng Bảo an được cho là đến rất kịp thời, chấm dứt những nghi ngờ liên quan tới biến đổi khí hậu vốn dai dẳng bấy lâu nay. Bản thân Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon cũng cảnh báo về khoảng trống an ninh nguy hiểm mà biến đổi khí hậu có thể tạo ra và cho rằng chúng ta phải giải quyết mối nguy cơ nhỡn tiền không chỉ làm trầm trọng thêm các mối đe dọa hiện tại đối với hòa bình và an ninh thế giới, mà bản thân cũng đã là một mối đe dọa khôn lường này.

Các đánh giá khoa học gần đây đang dần hé mở bức tranh đáng lo ngại về những hệ quả an ninh từ biến đổi khí hậu. Theo Báo cáo Đánh giá lần thứ tư của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), 11 năm trên tổng số 12 năm giai đoạn 1995 – 2006 đều nằm trong số 12 năm nóng nhất kể từ năm 1850. Bản báo cáo năm 2007 của IPCC cũng dự đoán mức tăng nhiệt độ năm 2100 sẽ rơi vào khoảng từ 1,1 – 6,4°C. Số thảm họa tự nhiên xảy ra trên toàn cầu trong 10 – 15 năm tới có lẽ sẽ tăng gấp đôi. Chỉ tính riêng 10 năm qua, 3.852 thảm họa đã cướp đi hơn 780.000 sinh mạng, ảnh hưởng tới trên 2 tỷ người khác và gây tổn thất ít nhất 960 tỷ USD.

Biến đổi khí hậu đe dọa hòa bình và an ninh thế giới (Ảnh minh họa: Iucn.org)

Các thảm họa khí hậu gây ra đối với loài người là tình trạng di cư môi trường, thiếu nước uống, năng suất nông nghiệp giảm sút và mất an ninh lương thực, mất đi sinh kế, nguy cơ đe dọa sức khỏe, khủng hoảng năng lượng và an ninh thảm họa.

Trước hết, biến đổi khí hậu đang làm giảm chất lượng nước và giảm khả năng cung cấp ở các khu vực khan hiếm nước. Hành tinh của chúng ta hiện vẫn còn 1,1 tỷ người không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn. Bước sang những năm 20 của thế kỷ XXI, sẽ có khoảng 120 triệu – 1,2 tỷ người ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á phải trải qua sự căng thẳng ngày càng gia tăng về nguồn nước. Trung bình mỗi năm có trên 3,5 triệu người tử vong vì các căn bệnh liên quan đến nước, đáng lưu ý là 84% con số tử vong đều là trẻ em và gần như tất cả các ca tử vong (98%) đều ở các nước đang phát triển.

Rất có thể, cuộc khủng hoảng này sẽ lần lượt châm ngòi cho các xung đột nội bộ, xung đột liên quốc gia, liên khu vực và cả tình trạng xung đột xã hội. Gần đây, người ta đang lo ngại các vấn đề về nước chưa được giải quyết có thể gây ra xung đột Ấn Độ – Pakistan, dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề trên bình diện quốc tế.

Tuy nhiên, năng suất nông nghiệp sụt giảm kéo theo mất an ninh lương thực mới là hậu quả đáng lo ngại nhất của biến đổi khí hậu. Nếu sự nóng lên toàn cầu tăng thêm 3°C, chắc chắn số người phải hứng chịu cảnh đói nghèo sẽ tăng từ 250 – 550 triệu người. Theo Hội đồng Cố vấn về Biến động Toàn cầu của Đức, đến năm 2020, năng suất nông nghiệp từ hoạt động nông nghiệp sử dụng nước mưa ở một số khu vực có thể giảm khoảng 50%. Chưa dừng lại, vấn đề giá lương thực tăng dễ đẩy hàng trăm triệu người vào tình cảnh đói nghèo, “xói mòn” thành quả kinh tế của các nước kém phát triển và bất ổn định, từ đó gia tăng thêm xáo trộn, kéo theo sự sụp đổ của các hệ thống xã hội và sự bùng nổ các cuộc xung đột trầm trọng.

Không những vậy, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến những nhân tố thiết yếu cho việc duy trì sức khỏe: không khí sạch, nước sạch, lương thực đầy đủ và nơi cư trú phù hợp. Hàng năm, hiện tượng suy thoái môi trường do biến đổi khí hậu có thể tác động xấu tới sức khỏe của 235 triệu người. Nghiêm trọng hơn, nó còn được cho là thủ phạm gây ra hơn 150.000 ca tử vong mỗi năm và khiến cho xấp xỉ 45 triệu người bị suy sinh dưỡng.

Có thể nhận thấy, trong vài thập kỷ trở lại đây, những thiệt hại trực tiếp về kinh tế và số thương vong trong các thảm họa toàn cầu đã gia tăng nhanh chóng, đặc biệt tăng mạnh kể từ những năm 1980. Theo Oxfam, các nước đang phát triển sẽ cần ít nhất 50 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với những thảm họa không thể tránh khỏi liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu có thể phá hủy các cơ sở hạ tầng năng lượng chủ chốt, như các trạm năng lượng, đường truyền năng lượng, các cơ sở hạt nhân… mà thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima gần đây là một ví dụ.

Thêm một mối đe dọa từ biến đổi khí hậu mà con người trực tiếp phải hứng chịu là tình trạng di cư môi trường đang diễn ra trên diện rộng. Báo cáo Thảm họa Thế giới năm 2001 ước tính đã có 25 triệu dân tị nạn môi trường, còn theo ước tính của IPCC thì đến năm 2050, 150 triệu người có thể trở thành dân tị nạn khí hậu, phải di cư do nước biển dâng, sa mạc hóa, bão lũ hay thiếu nước…

Đặc biệt, bất ổn khí hậu còn có thể gia tăng sức ép và xung đột giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Các xung đột khu vực tiềm tàng có thể bùng phát do tác động cộng hưởng của khí hậu. Tình trạng quá khích và chủ nghĩa khủng bố có thể gia tăng ở một xã hội đang phát triển đặc biệt là khu vực Nam Á do những tổn thất về kinh tế-xã hội có nguyên nhân từ khí hậu. Rõ ràng, khi một chính phủ không thể đảm bảo cuộc sống cho người dân thì ắt hẳn những điều kiện để các phần tử cực đoan và khủng bố lấp đầy chỗ trống ấy sẽ chín muồi.

Một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi các tác động của biến đổi khí hậu chính là Bangladesh. Nước này thường xuyên phải đối mặt với các thảm họa tự nhiên như lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy… và tình trạng thiếu nước uống, nước tưới tiêu, lây lan những căn bệnh liên quan đến nước, vấn đề ô nhiễm… Có khoảng 35 – 77 triệu trong số 165 triệu người ở Bangladesh hiện đang đứng trước nguy cơ phải sử dụng nguồn nước uống ô nhiễm. Theo tạp chí y khoa Anh The Lancet, xét trên phạm vi cả nước, Bangladesh có tới 77 triệu người bị nhiễm thạch tín – chất có thể gây ra ung thư, khiến 200.000 – 270.000 người tử vong.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu có khả năng khiến lượng mưa tăng thêm 10% trong cùng một khoảng thời gian, gây nên lũ lụt bất thường. Nếu mực nước biển tăng 0,6 – 0,9m thì quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là Bangladesh: bị mất đi xấp xỉ 20% diện tích đất và gần 20 – 30 triệu người dân Bangladesh buộc phải trở thành dân tị nạn môi trường.

Đó là còn chưa kể đến nguy cơ biến mất của các cánh rừng đước thuộc Vườn Quốc gia Sundarbans, của loài hổ Bengal và hàng trăm loài chim quý. Trước mắt, đã có khoảng 53% các vùng đất ven biển bị nhiễm mặn, hàng triệu người dân phía bắc Bangladesh đang bị đe dọa bởi xói lở bờ sông và các đợt hạn hán khắc nghiệt. Một khi mực nước biển tăng sẽ cướp đi của Bangladesh một lượng đất canh tác nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Dựa theo diễn biến tình hình thì khả năng năm 2050, sản xuất lúa gạo tại quốc gia này sẽ giảm 10%, lúa mỳ giảm 30%.

Khan hiếm nguồn lực – hệ quả dễ thấy của biến đổi khí hậu – cũng là nhân tố góp phần gây nên xung đột và bất ổn định. Sự kiện diệt chủng năm 1994 tại Rwanda xét kỹ ra đều bắt nguồn từ những tranh chấp về nguồn lực nông nghiệp, còn cuộc đảo chính ở Niger năm 1974 chủ yếu xuất phát từ nạn đói. Xung đột ở Darfur (Sudan), trước kia từng là một vùng đất nông nghiệp trù phú, cũng bùng nổ trong bối cảnh hạn hán kéo dài, mùa màng thất thu và hiện trạng ấy đang lan tràn sang nước láng giềng của họ – Cộng hòa Chad. Theo Liên hiệp quốc, hiện có khoảng 300 cuộc xung đột tiềm tàng liên quan đến nước tồn tại trên thế giới.

Thật sự rất khó có thể phủ nhận rằng biến đổi khí hậu đang len lỏi khắp mọi nơi, kéo theo nhiều mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh thế giới hơn bất kỳ mối đe dọa nào, do vậy những thách thức đến từ khí hậu nên được đặt trong các mối quan tâm về an ninh trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Và chỉ có hợp tác quốc tế hiệu quả giữa các quốc gia, các khu vực mới mong từng bước ngăn chặn, đẩy lùi được biến đổi khí hậu và những tác động mang tính hủy diệt của nó.