ThienNhien.Net – Câu chuyện thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được xới lên ngót nghét ba tháng nay nhưng sức nóng từ sự vụ này vẫn chưa hề thuyên giảm. Trong khi nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực liên quan đã lên tiếng kiến nghị nghiên cứu và đánh giá lại tác động môi trường của hai dự án trước khi tiến hành cấp phép thì đến nay phán quyết cuối cùng từ phía các cơ quan chức năng vẫn còn là một ẩn số.
Lo vì lối làm ẩu
Đa phần các nhà khoa học khi bày tỏ quan điểm về hai dự án đều không đưa ra chủ kiến phản đối việc triển khai thực hiện, tuy nhiên, những đánh giá quá lạc quan về tác động môi trường từ dự án này trong bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư không khỏi khiến họ đặt nghi vấn và quan ngại.
Ngay từ khi thông tin đề nghị điều chỉnh quy hoạch Vườn quốc gia Cát Tiên để xây hai thủy điện của Bộ NN&PTNT được công bố, bản báo cáo đánh giá tác động của hai dự án này đã được giới môi trường, bảo tồn quan tâm kỹ càng. Và mối quan ngại ban đầu hoàn toàn có cơ sở khi bản báo cáo do Tập đoàn Đức Long Gia Lai thuê Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện trên thực tế được nhiều chuyên gia đánh giá là có nhiều dấu hiệu sao chép.
Trong quá trình đánh giá, đơn vị lập báo cáo cũng không thực hiện đúng quy trình quy định, không tổ chức các cuộc họp tham vấn cộng đồng, không thông báo cũng như lấy ý kiến của người dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng. Thậm chí, theo TS. Vũ Ngọc Long, Viện phó Viện Sinh học Nhiệt đới, “với những con số mà chủ đầu tư đưa ra trong bản báo cáo thì tôi tin là họ chưa đến đây (khu vực dự kiến xây thủy điện)”.
Bản thân ông Trần Ký, đại diện nhóm chuyên gia trực tiếp thực hiện báo cáo cũng thừa nhận, chỉ có ba người thuộc Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam tham gia chuyến khảo sát thực địa trong vòng một tuần tại khu vực dự kiến xây dựng, trong đó có đến ba ngày bị lạc (!?).
Nút thắt câu chuyện càng trở nên kịch tính khi chỉ chưa đầy một tháng sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có công văn đệ trình Thủ tướng xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn quốc gia Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, chính Bộ này trong ngày 11/7 – đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Cát Tiên giai đoạn 2010 – 2020.
So với bản quy hoạch cũ, tổng diện tích tự nhiên của Vườn Cát Tiên giảm tới 2.528 ha, phần diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cũng chỉ còn lại 54.099 ha so với 68.837ha ban đầu. Trong khi đó, phần phân khu phục hồi sinh thái được tăng thêm 9.544 ha, phần phân khu dịch vụ hành chính cũng tăng đột biến từ 100 ha lên 2.325 ha.
Theo lý giải của Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên Trần Thế Liên, tổng diện tích tự nhiên nêu trên căn cứ vào diện tích thực đo được tại thời điểm hiện tại chứ không bị mất đi hay chuyển đổi gì. Tuy nhiên, việc giảm đột ngột phần diện tích tự nhiên của Vườn, đặc biệt là phần diện tích thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khiến các nhà bảo tồn không thể không đặt câu hỏi, thậm chí khó tránh những nghi vấn đặt ra như liệu có sự liên đới giữa quy hoạch của Vườn với hai dự án thủy điện vốn gây nhiều tranh cãi.
Niềm tin hai dự án sẽ sớm được triển khai càng trở lên mười mươi khi ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), trong đó thủy điện Đồng Nai 6 có trong danh mục Công trình vận hành năm 2015 và thủy điện Đồng Nai 6A trong danh mục Công trình vận hành năm 2016. Cả hai dự án đều được thực hiện bởi Tập đoàn Đức Long Gia Lai với tổng công suất lên tới 241MW.
… và vì “vênh” giữa đánh giá và thực tiễn
Tính đến thời điểm ngày 20/6, khi Văn bản số 1741/BNN-TCLN về việc đệ trình Thủ tướng xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn quốc gia Cát Tiên để xây dựng nhà máy thủy điện được phát đi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn chưa nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường từ phía Tập đoàn Đức Long Gia Lai, càng không nhận được bản đề xuất các phương án giảm thiểu ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học của Vườn từ chủ đầu tư này.
Tuy nhiên, Bộ vẫn “mạnh dạn” đưa ra đánh giá bước đầu – rằng “việc xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A về cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước, ít gây gián đoạn dòng chảy cho hạ lưu. Việc xây dựng hai công trình này tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong Vườn quốc gia Cát Tiên và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn loài Tê giác và sinh cảnh Bầu Sấu của Vườn quốc gia”.
Trái với những nhận định có phần tích cực nêu trên, chuyến thực địa của các nhà khoa học tại khu vực dự kiến xây dựng thủy điện lại chứng minh điều ngược lại, khi mà: “Nó (khu vực dự kiến xây dựng thủy điện) không phải là rừng gỗ nghèo, rừng nghèo hỗn giao như báo cáo phản ánh một cách chung chung mà là nơi sở hữu rất nhiều loài cây quý có tên trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) như cẩm lai, trắc, mun, kơ-nia…” – TS Vũ Ngọc Long nhấn mạnh.
Đó cũng là một trong những lý do quan trọng khiến các nhà khoa học đồng lòng kiến nghị đánh giá lại tác động môi trường của hai dự án này khi cùng tham dự Hội thảo “Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và tài nguyên nươc sông Đồng Nai – cụ thể trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6A” do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và Vườn quốc gia Cát Tiên phối hợp tổ chức trong ngày 7/8/2011.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thống nhất đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương đánh giá môi trường chiến lược đối với việc quy hoạch phát triển thủy điện trên toàn lưu vực sông Đồng Nai nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên nước trong lưu vực.
Kiến nghị và chờ đợi
Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước là ba địa phương dự kiến sẽ bị cắt một phần đất để phục vụ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đồng Nai tuy nằm ngoài danh sách này nhưng phía lãnh đạo địa phương vẫn bày tỏ mối nghi ngại bởi một khi nằm trong lưu vực sông Đồng Nai thì địa phương cũng tất yếu chịu chung các ảnh hưởng tác động đến dòng chảy sông Đồng Nai, công tác điều tiết lũ, đẩy mặn, cấp thoát nước cũng như khả năng ảnh hưởng đến hệ sinh thái Vườn Quốc gia Cát Tiên…
Theo nhận định của UBND tỉnh Đồng Nai, việc triển khai hai công trình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên động thực vật rừng cùng công tác bảo vệ rừng, đồng thời ảnh hưởng đến việc Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là Khu di sản thiên nhiên thế giới. Điểm đáng lưu ý là khi dự án Đồng Nai 6 và 6A được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai, UBND tỉnh hoàn toàn không được lấy ý kiến, do đó không có hồ sơ cụ thể về các thông số kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường cũng như những ảnh hưởng đến địa bàn Đồng Nai.
Với những mối quan ngại nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai cuối tháng 8 đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, yêu cầu đơn vị chủ đầu tư thực hiện đánh giá, phân tích kỹ những ảnh hưởng, tác động của hai dự án khi triển khai thực hiện, đồng thời phải lấy ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân các địa phương liên quan đến vùng dự án.
Hơn nữa, theo quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi xem xét ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương liên quan. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội thì những dự án, công trình sử dụng đất rừng, đất vườn quốc gia từ 50 ha trở lên sẽ phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị đưa hai dự án trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu và đánh giá thực tiễn thông qua việc tổ chức hội thảo khoa học và quá trình tham vấn các bên liên quan, VRN mới đây cũng gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng, đề nghị nghiên cứu và đánh giá lại tác động môi trường của hai dự án trước khi cấp phép.
Theo VRN, báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa xem xét hết các rủi ro tiềm ẩn, báo cáo sơ sài, bỏ qua nhiều vấn đề môi trường quan trọng liên quan đến đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên cũng như các tác động đối với nguồn sinh kế, sức khỏe và văn hóa truyền thống của cộng đồng bản địa.
Do đó, bên cạnh việc yêu cầu chủ đầu tư đánh giá lại tác động của hai dự án, VRN cũng đề nghị đơn vị này sớm xây dựng và hoàn thiện chương trình quản lý môi trường với các phương án giảm thiểu hợp lý, khả thi, đặc biệt cần công khai cho công chúng và các bên liên quan được biết. Song song với nhiệm vụ trên, cần thành lập một hội đồng tư vấn quốc gia để thực hiện giám sát và đánh giá tính khả thi của hai dự án với sự tham gia của các nhà khoa học có kinh nghiệm.
Thư đề nghị đã được chuyển đi hai tuần trước, nhưng xác nhận với ThienNhien.Net cách đây vài ngày, bà Ngụy Thị Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước, đơn vị điều phối VRN khẳng định, hiện VRN vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía các đơn vị chức năng nằm trong nhóm nhận được thư đề nghị (!?).
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 từng được phê duyệt “hụt” trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến năm 2025 (Quy hoạch điện IV, 2007) do phần diện tích nhấn chìm Vườn quốc gia Cát Tiên và các khu rừng phòng hộ của Đăk Nông và Bình Phước khi đó lên tới 773,6 ha. Tuy nhiên, sau khi Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin đầu tư Dự án này và tách thành dự án thủy điện 6 và 6A, Bộ Công thương đã xem xét phê duyệt bổ sung hai dự án vào quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai, dự kiến lần lượt đưa vào vận hành trong năm 2015 và 2016 với tổng công suất dự kiến 241MW, tổng sản lượng điện đạt gần 1tỷ kWh/năm. Nếu được thông qua trong lần phê duyệt này, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ “ngốn” hơn 370 ha đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 137 ha thuộc phần diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên. |