ThienNhien.Net – Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng những di chứng để lại vẫn hiện hữu trong từng thước đất và hằn sâu trong ký ức của mỗi con người. Bên cạnh những mất mát đau thương khó có thể hàn gắn và những tàn tích khủng khiếp do chất độc da cam để lại thì sự tồn sót của hàng triệu tấn bom mìn, vật nổ cũng đang là mối lo canh cánh của xã hội. Nỗ lực xóa bỏ tàn dư khủng khiếp ấy vẫn đang tiếp diễn từng ngày, từng giờ nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thể đủ để xoa dịu bao đau thương tột cùng và chưa đủ để làm sạch bao diện tích đất bị hoang hóa, hủy hoại. Nhân ngày Hòa bình thế giới – 21/9, hãy cùng nhìn lại bức tranh ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam và những nỗ lực đáng ghi nhận để thấy được ý nghĩa của hai từ Hòa Bình
Di chứng để lại
Hơn 15 triệu tấn bom mìn là con số kỷ lục mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cao hơn gấp 4 lần so với lượng mà Mỹ sử dụng trong thế chiến thứ hai. Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, hiện vẫn còn tồn khoảng 350 – 800 ngàn tấn bom đạn không phát nổ mà nằm rải rác trên khắp các tỉnh, thành và trên mọi loại địa hình khác nhau.
Báo cáo “Dự án điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” năm 2009 của Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN), Bộ Quốc Phòng cũng khẳng định, bom mìn sót lại tại một số khu vực nằm lộ ngay trên mặt đất nhưng đa số nằm trong lòng đất ở độ sâu tới 5m, cá biệt có nơi sâu tới 10-20m. Mức độ ô nhiễm giữa các vùng có khác nhau nhưng tập trung nhiều nhất là các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Ngãi. Trên 35% diện tích đất thuộc sáu địa phương này hiện vẫn còn tồn đọng bom đạn, trong đó Quảng Trị là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất với hơn 80% diện tích chứa bom mìn chưa được tháo gỡ.
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ thương vong, hậu quả do bom mìn để lại còn đe dọa sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội, gây tâm lý lo sợ, hoang mang trong nhân dân. Ước tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn đã gây tử vong hơn 40 nghìn trường hợp, làm bị thương 60 nghìn người, trong đó nạn nhân chủ yếu là đối tượng trẻ em.
Đặc biệt, ảnh hưởng của bom mìn còn khiến công tác quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên gặp nhiều khó khăn, nhất là việc khôi phục lại phần lớn diện tích đất đã bị hoang hóa do người dân không dám canh tác, xây dựng, khai thác hay phát triển; môi trường và nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng nề.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, hiện có tới 6,6 triệu ha đất bị ô nhiễm do bom mìn, vật nổ, chiếm hơn 20% diện tích đất trên cả nước. Đây quả là một con số không nhỏ trong khi diện tích đất sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp theo đà phát triển kinh tế.
Điều đáng quan ngại là hiện vẫn còn không ít gia đình phải mưu sinh trên chính những mảnh đất đầy rẫy hiểm nguy bằng nghề dò tìm phế liệu sau chiến tranh, như một kế mưu sinh. Có thời điểm công việc này gần như trở thành phong trào, nổi bật là Quảng Trị với 98% số xã từng tham gia dò tìm phế liệu. Tuy nhiên, việc số vụ tai nạn do bom mìn ngày càng tăng cao cũng dần dà hạn chế phần nào số lượng người theo đuổi công việc này.
Chung tay khắc phục
Mối nguy hiểm tiềm tàng từ di chứng chiến tranh khiến công tác rà phá bom mìn luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của chính phủ và các cấp ban ngành. Suốt mấy chục năm qua, nhờ nỗ lực trong nước và hợp tác quốc tế, Việt Nam đã giảm thiểu được phần nào những thương tích do bom mìn.
Cuối năm 2010, Thủ tướng chính thức ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nhằm thực hiện và thúc đẩy chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025.
Tính đến nay, chúng ta đã rà phá được gần 10 tấn bom các loại, 4 triệu quả mìn, 8 triệu vật liệu nổ khác, giải phóng hàng trăm ngàn ha đất canh tác. Tuy nhiên, nỗ lực ấy mới chỉ dừng lại ở các loại bom mìn nằm sâu 0,3 mét và cũng chỉ mới giải quyết được khoảng 10% diện tích bị ô nhiễm.
Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam cũng luôn nhận được sự quan tâm trợ giúp của cộng đồng quốc tế thông qua các dự án điều tra khảo sát, rà phá bom mìn, điển hình là Dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ thực hiện trong vòng 10 năm (2001 – 2011); Dự án điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam do BOMICEN thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam; Dự án rà phá bom mìn tại Quảng Trị do Chính phủ Nhật Bản tài trợ…
Không chỉ giúp xác định mức độ ô nhiễm, các dự án còn khảo sát từng khu vực có nguy cơ, đánh giá đối tượng dễ bị tổn thương và triển khai áp dụng các biện pháp cải thiện tình hình, đồng thời góp phần giảm tỉ lệ thương vong do bom mìn gây ra tại các địa phương.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận nhưng công tác rà phá bom mìn hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Theo tính toán, muốn rà phá hết bom mìn còn sót lại, Việt Nam cần phải có khoản kinh phí lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng và phải kéo dài trong nhiều chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Cụ thể, theo chia sẻ của đại diện BOMICEN, chúng ta cần thêm 300 năm nữa cùng nguồn kinh phí khổng lồ gần 10 tỷ đô la thì mới mong rà phá hết bom mìn.
Đây sẽ không chỉ là thách thức mà còn là nhiệm vụ, trọng trách mà chúng ta đã, đang và sẽ phải hoàn thành, vì thế hệ tương lai và vì sự thịnh vượng của quốc gia, dân tộc.