Châu Á cần phối hợp chặt chẽ với Châu Phi để bảo vệ loài tê giác

ThienNhien.Net – Để kỷ niệm Ngày Tê giác Thế giới, ngày 22/9, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) sẽ cùng cư dân các nước có tê giác phát động chiến dịch kêu gọi chấm dứt nạn săn trộm tê giác, một vấn nạn nghiêm trọng đang đe dọa tới sự sống còn của loài này.

Được biết, để ứng phó với cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác nổ ra gần đây, chính quyền Nam Phi – đất nước là nơi cư trú của hầu hết tê giác trên thế giới – đã tăng cường bảo vệ loài, tiến hành kiểm soát gắt gao hơn và đưa ra những phán quyết nghiêm khắc hơn đối với tội phạm liên quan đến động vật hoang dã. “Hiện chính quyền Nam Phi đang kiểm soát nạn săn trộm tê giác một cách chặt chẽ và bắt đầu triệt phá những băng nhóm tội phạm tinh vi gieo rắc cái chết cho vô số cá thể tê giác”, Tiến sĩ Joseph Okori, Quản lý Chương trình Tê giác Châu Phi của WWF, vui mừng chia sẻ.

Động thái trên của Nam Phi rõ ràng cần phải được các quốc gia châu Á – nơi mà nhu cầu tiêu dùng sừng tê giác đang “tiếp tay” cho những kẻ săn trộm – đáp lại bằng những giao ước hợp tác chặt chẽ.

Nam Phi đã mất ít nhất 287 con tê giác trong năm 2011, trong đó có ít nhất 16 cá thể tê giác đen đang bị đe dọa nghiêm trọng (Ảnh: Thezimbabwean.co.uk)

Cuối tháng 9 này, Nam Phi sẽ tiếp đón các đoàn đại biểu chính phủ của Việt Nam và Trung Quốc để cùng họp bàn tìm cách giải quyết tình trạng gia tăng nhu cầu dùng sừng tê giác làm thuốc tại châu Á, đồng thời thảo luận các giải pháp để hợp tác hiệu quả hơn trong hoạt động thực thi pháp luật và điều tra tội phạm.

Về phía mình, Tiến sĩ Morné du Plessis, Giám đốc Điều hành WWF – Nam Phi, cũng cho rằng “Chính phủ các nước tại châu Phi và châu Á cần phối hợp với nhau nhằm chặn đứng các đường dây buôn bán và đưa tội phạm liên đới tới hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ra trước vành móng ngựa. Hiện tại, nhu cầu về sừng tê giác và ngà voi đang đe dọa phá hủy một phần đáng kể di sản thiên nhiên của châu Phi. Do đó, trong tương lai gần, chúng tôi chỉ mong muốn nhìn thấy các thị trường buôn bán bất hợp pháp những mặt hàng này tại châu Á buộc phải đóng cửa”.

Bày tỏ sự ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng kiểm lâm nhằm bảo vệ tương lai của loài tê giác, Tiến sĩ Okori tiếp tục kêu gọi lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc nỗ lực hoàn thành phần trách nhiệm của mình trong việc phối hợp hiệu quả với Chính phủ Nam Phi cùng bảo vệ loài tê giác.