ThienNhien.Net – Theo số liệu thống kê về kế hoạch trồng rừng năm 2011 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, tổng diện tích trồng rừng mới năm 2011 trên địa bàn tỉnh là 5.000 ha, tuy nhiên diện tích trồng rừng phòng hộ chỉ có 580 ha và 4.420 ha còn lại là rừng sản xuất.
Số liệu này cho thấy sự mất cân đối trong kế hoạch trồng rừng của tỉnh Bình Định năm nay. Nhiều dãy núi đồi từ các huyện Hoài Ân, Vân Canh, An lão, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Tây Sơn và một phần đèo Cù Mông (phía đường quốc lộ 1A cũ) Quy Nhơn đã bị “bốc trụi” từ chân lên đỉnh núi để chuẩn bị thực bì cho trồng rừng kinh tế, rừng sản xuất năm 2011. Theo thống kê mới đây của các ngành chức năng tỉnh Bình Định, đến nay tổng diện tích trồng rừng kinh tế, rừng sản xuất lên đến trên 10 nghìn ha.
Bình Định là một tỉnh có 4 con sông lớn chạy qua là sông Kôn, sông La tinh, sông Hà Thanh và sông Lại Giang, đây là những con sông được bắt nguồn từ các tỉnh Tây Nguyên Gia Lai- Kom Tum đổ về. Vì vậy, toàn bộ hệ thống rừng đầu nguồn chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái và chống sa bồi thuỷ phá khi mùa mưa bão về.
Tuy nhiên, việc phát triển mạnh rừng kinh tế đã gây nhiều tác động đến môi trường của tỉnh Bình Định trong những năm qua, đặc biệt, thiệt hại về người và của do lũ lụt gây ra ngày càng nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân ở Phù Mỹ và một số huyện: trước đây nếu không phát triển trồng rừng kinh tế, thì rừng nghèo tại đây còn giữ được nước và nhiều diện tích còn sản xuất được. Đến nay, khi rừng kinh tế phát triển và cứ qua một chu kỳ 6-7 năm được khai thác “trọc lóc” từ dưới lên đỉnh đồi núi để trồng lại rừng mới và cứ hết chu kỳ này lại đến chu kỳ khác không chỉ làm cho đất bị bào mòn mà còn bị sa bồi thuỷ phá khi mùa mưa lũ đến.
Đã đến lúc, chính quyền tỉnh Bình Định cần xem xét lại việc phát triển ồ ạt về rừng sản xuất, rừng kinh tế mà nên ưu tiên nhiều hơn cho phát triển rừng phòng hộ và rừng cảnh quan môi trường theo hướng bền vững.