ThienNhien.Net – Theo kết luận từ một nghiên cứu mới của công ty Carbon Trust (Anh) thì rất có thể đến năm 2050, công suất năng lượng biển trên toàn thế giới sẽ đạt con số 240GW, trong đó, 75% từ nguồn sóng biển và phần còn lại là từ thủy triều.
Trong các thập kỷ tới đây, toàn bộ thị trường năng lượng thủy triều và sóng biển theo kịch bản dự báo mức cao có thể đạt tới con số 740 tỷ USD. Tương tự như vậy, đến năm 2050, thị trường toàn cầu mỗi năm có thể đạt giá trị 65 tỷ USD. Điều này lý giải cho việc tại sao hiện có hàng trăm công ty đang tập trung phát triển các loại hình thiết bị năng lượng biển.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đồng thời cảnh báo rằng đến cuối thập kỷ này, việc phát triển năng lượng biển chỉ có thể dừng lại ở mức khiêm tốn bởi tính thiếu chắc chắn của các thiết kế khác nhau cũng như chính sách của các chính phủ. Đó là còn chưa kể tới sự phụ thuộc vào các nhân tố khác như các giải pháp giảm thiểu nhu cầu và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, sự thành công của các nguồn năng lượng các-bon thấp và các công nghệ khác, trong khi rủi ro triển khai các công trình năng lượng biển vẫn còn cao.
Song, dẫu sao thì các loại hình năng lượng biển cũng có những thuận lợi riêng so với những nguồn tái tạo khác, chẳng hạn như sản xuất gần nơi tiêu thụ (một nửa dân số toàn cầu sống gần biển); có thể dự đoán được thời gian thủy triều lên/xuống; hoạt động một cách tĩnh lặng so với tua-bin gió và được đặt ở trạng thái ngầm, khác với tất cả các nguồn năng lượng tái tạo còn lại.
Ngay từ năm 1963, nước Pháp đã phát triển nhà máy điện thủy triều đầu tiên ở La Rance. Nhờ kết nối thành công với hệ thống đường dây tải điện vào năm 1967, với công suất 240MW mỗi năm nhà máy này có thể cung cấp tới 600GWh điện, đưa nước Pháp vươn lên dẫn đầu thế giới suốt nhiều thập kỷ về dạng năng lượng này.
Tại Hoa Kỳ, năng lượng sóng biển có khả năng cung cấp 10% điện năng cả nước.