ThienNhien.Net – Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), đầu tháng 9 này các nhà bảo tồn và chính trị gia có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về tái trồng rừng (Bonn Challenge) diễn ra ở Bonn (Đức) đã công bố một sáng kiến mới nhằm phục hồi 150 triệu héc-ta diện tích rừng bị tàn phá và xuống cấp.
Rõ ràng, chỉ trong vòng vài thế kỷ, Trái đất đã mất đi khoảng 30% độ che phủ rừng và 20% nữa rơi vào tình trạng suy thoái. Hiện có tới gần 1 tỷ héc-ta đất rừng cũng đang bị chiếm làm đất canh tác và nơi định cư cho những khu vực nông thôn đông đúc.
Do đó, “kế hoạch phục hồi 150 triệu héc-ta đất suy thoái hé mở cơ hội lớn để tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đi kèm với bảo vệ khí hậu”, Göran Persson, Cựu Thủ tướng Thụy Điển, người sẽ lãnh đạo Hội đồng Phục hồi Toàn cầu Mới (NGRC), nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của Göran Persson, Manish Bapna, Chủ tịch lâm thời WRI, nói rõ hơn: “Phục hồi rừng là một ý tưởng lớn mang lại nhiều lợi ích. Nó sẽ giúp củng cố an ninh lương thực, thúc đẩy đa dạng sinh học, bảo vệ khí hậu và tạo ra sinh kế. Thông qua mục tiêu mới 150 triệu héc-ta này… chúng ta sẽ có thể gia tăng khả năng thích nghi của con người và tự nhiên”.
WRI cũng cho rằng Bonn Challenge chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy để đạt được những mục tiêu năm 2020 dưới Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) và chương trình Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon (REDD+) của Liên Hợp quốc (UN).
Ước tính, mục tiêu tái trồng rừng của Bonn Challenge tập trung vào 7% trên tổng số 2 tỷ héc-ta đất toàn cầu thích hợp cho việc phục hồi. Khu vực rộng lớn hơn Nam Mỹ này bao gồm 1,5 tỷ héc-ta thích hợp cho việc phục hồi từng phần với các mô hình rừng, trang trại, khu định cư và 500 triệu héc-ta thích hợp cho phục hồi các khu rừng rậm. Ngoài ra vẫn còn 200 triệu héc-ta ở Bắc bán cầu bị suy thoái do cháy rừng vốn là nơi không có người ở nhưng thực tế rất khó phục hồi.
Tuy sáng kiến mới không chủ đính nhắm vào đất sản xuất nông nghiệp, song một phần trong số đó “sẽ rất có lợi cho việc bảo vệ và đẩy mạnh năng suất nông nghiệp cũng như các chức năng khác của hệ sinh thái nếu được sử dụng để trồng cây ở những địa điểm chiến lược”, WRI lưu ý thêm.
Hiện những người ủng hộ đang rất kỳ vọng sáng kiến này sẽ được Liên Hợp quốc, các chính phủ và các tổ chức khác chấp nhận như một mục tiêu chính thức.