ThienNhien.Net – Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo, Vĩnh Phúc đã trở thành ngôi nhà của nhiều chú gấu sau khi được giải thoát khỏi các trại nuôi nhốt. Tuy số lượng gấu được cứu hộ chưa được nhiều như mong đợi, nhưng với các trang thiết bị cứu hộ hiện đại, và với tâm huyết của những cán bộ nhân viên làm việc tại Trung tâm, các nhà bảo tồn hoàn toàn có thể hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cá thể gấu được giải thoát, cứu chữa và được thả về tự nhiên. Dù vậy, cánh cửa bảo tồn cho loài động vật này dường như vẫn khá mong manh bởi hoạt động của các trại nuôi nhốt ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp.
Thăm đại gia đình gấu ở Tam Đảo
Cách đây chưa lâu, Tam Đảo vẫn được coi là thiên đường của các quán thịt thú rừng. Nhiều nhà hàng đặc sản mọc lên nhan nhản, phục vụ đủ các loại thịt rừng, từ cầy, sóc, nhím, dúi đến hoẵng… Nhưng cảm giác hôm nay đặt chân lên mảnh đất này, và nhất là tới thăm Trung tâm cứu hộ gấu dường như có gì đó khang khác, không ghê sợ kinh hãi như mọi khi mà thấy yên bình. Nhìn những chú gấu mải miết nô đùa, hoặc nằm hiền lành tắm nắng, trông thật ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Những chú gấu ở đây thường bắt đầu bữa sáng bằng một đĩa thức ăn được đặt sẵn trong các hốc cây hoặc được treo lơ lửng trên những cành cây nhằm giúp chúng phát huy bản năng leo trèo, khám phá. Đây được coi là một trong những bài tập giúp gấu nhanh hồi phục sức khỏe và phát triển cơ thể toàn diện. Ngoài ra, khu vực riêng của gấu còn được thiết kế thêm các mô đất hay giường ngủ bằng gỗ giống hệt tự nhiên để chúng có thể nghỉ ngơi, vui đùa.
Để có thể cứu chữa và phục hồi cho từng con gấu, các bác sĩ và điều dưỡng tại Trung tâm đều phải làm việc miệt mài mỗi ngày. Họ thường cùng nhau trao đổi về sự tiến triển của từng cá thể trước khi quyết định khẩu phần ăn thích hợp cho chúng. Ngoài hai bữa ăn chính, gấu được phục vụ nhiều bữa ăn nhỏ nhằm bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Hầu hết thức ăn đều được Trung tâm thu mua quanh vùng và được các nhân viên sơ chế, bảo quản cẩn thận. Một trong những món khoái khẩu của gấu là nước mật ong ướp đá, yến mạch chứa trong hồ lô, sữa chua trộn lẫn quả khô, kem phết, dầu mẻ xịt…
Điều thú vị là khi về tụ hội tại đây, mỗi chú gấu đều được đặt tên và lập “sơ yếu lý lịch” riêng để tiện theo dõi, có con được đặt theo tên Việt Nam như Chiến Thắng, Yên Bái, có con lại được gọi là Mara, Mausi…
Tâm sự với chúng tôi, Bác sỹ Leanne Clark, người Úc – người từng có thời gian khá dài gắn bó với Trung tâm – cho biết: “Là một bác sỹ thú y, tôi rất muốn được chăm sóc động vật hoang dã. Tôi rất buồn khi số lượng gấu tự nhiên trên thế giới ngày càng suy giảm do bị săn bắn, nuôi nhốt. Ở Việt Nam, mỗi năm có rất nhiều con gấu bị tiêu diệt và hút mật. Dù hút hay sử dụng mật thì đó đều là những hành động không thể chấp nhận được, khiến gấu không chỉ đau đớn về thể xác, tinh thần mà còn rất khó hồi phục sức khỏe”.
Leanne vẫn nhớ như in những lần đi cứu hộ gấu, có lần phải vào miết tận Kiên Giang. Nhìn những chú gấu nằm bẹp trong rọ sắt, người co dúm, run rẩy, cô không khỏi chạnh lòng. “Chúng bị bệnh cũng đáng thương như con người vậy. Có con còn bị sập bẫy cụt cả chân, tay, vết thương lở loét. Nỗi ám ảnh đó khiến chúng chỉ cần nhìn thấy kim tiêm, dù là của người chữa bệnh cũng đã gào thét hung dữ, tựa như đối chọi với kẻ thù vậy” – Leanne tâm sự.
Cũng theo Leanne, đa phần gấu khi được tới Trung tâm cứu hộ đều đang trong tình trạng suy kiệt và đã có một thời gian dài bị cách ly với môi trường tự nhiên, do đó phải mất thời gian khá lâu chúng mới hồi phục lại được. Nếu được chăm sóc tại Trung tâm, tuổi thọ của gấu có thể kéo dài thêm 25 – 35 năm. Về lâu dài, nếu có nguồn hỗ trợ, Trung tâm sẽ tính đến phương án cho gấu sinh sản để nhân giống.
Hy vọng và thách thức
Việc ra đời ngày càng nhiều các trung tâm cứu hộ, các tổ chức nghiên cứu chuyên biệt đã phần nào mang lại niềm hy vọng cho công tác bảo tồn gấu, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi tệ nạn săn bắn và hút mật gấu trái phép gia tăng theo hướng khó kiểm soát.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là một khi nhu cầu sử dụng mật gấu tiếp tục không thuyên giảm thì tương lai của loài gấu vẫn bị đe dọa. Đặc biệt, khi chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm chưa thực sự đủ răn đe thì các hình thức nuôi nhốt, buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ gấu vẫn là nỗi lo canh cánh đối với công tác bảo tồn loài động vật này.
Đơn cử như vụ phát hiện 6 trang trại ở Quảng Ninh nuôi nhốt trái phép 80 cá thể gấu không gắn chíp theo dõi vào năm 2007 nhưng Bộ NN&PTNT chỉ đề nghị xử lý hành chính đơn vị nuôi nhốt, và tiếp tục cho phép các chủ trang trại được nuôi các cá thể gấu hiện có. Hoặc năm 2009, vụ việc ông Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Hà Nam bị phát hiện nuôi nhốt gấu và tổ chức chích mật nhưng rút cục ông cũng chỉ bị tịch thu tang vật (!?)
Ngoài hơn 4.000 gấu nuôi đã được gắn chíp, Việt Nam hiện vẫn còn hàng trăm cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép tại các trang trại tư nhân. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc ban hành quy định về quản lý nuôi nhốt gấu mà chưa có chế tài xử phạt rõ ràng các hành vi vi phạm; chế độ báo cáo, theo dõi, giám sát số lượng gấu nuôi cũng không được thực hiện đều đặn, khiến tình trạng chích hút, buôn bán mật lén lút ngày một gia tăng.
Và vì vậy công tác bảo tồn gấu chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức!