ThienNhien.Net – Rừng mưa, vốn được che phủ bởi những cây cổ thụ, có khả năng che chở và tạo nơi cư trú cho hơn một nửa số loài trên Trái đất mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn – khoảng 7% diện tích đất liền. Song, điều đáng buồn là nhiều năm trở lại đây, rừng mưa đang bị tàn phá nặng nề. Hiện con người đang cố gắng khôi phục rừng mưa – nguồn gen tự nhiên vô giá của nhân loại bằng nhiều giải pháp bảo tồn, tái trồng rừng và gắn kết những cánh rừng còn sót lại .
Ngoài các nguyên nhân tự nhiên như cháy rừng, rõ ràng mất rừng chủ yếu là do các hoạt động của con người như khai thác gỗ, canh tác nông nghiệp, khai mỏ… Và hậu quả mà con người phải trả giá là hiện tượng xói mòn đất, lở đất và lũ lụt ngày càng gia tăng, trong khi các đặc tính đa dạng sinh học và vai trò như một kho thuốc quý của rừng mưa ngày càng giảm dần. Hiện có trên 25% loại tân dược được chiết xuất từ thực vật rừng mưa, song chỉ khoảng 1% số thực vật dùng làm thuốc của rừng mưa được cho là có tiềm năng dồi dào. Ngoài ra, phá rừng còn đồng nghĩa với việc phá hủy cái nôi của nhiều nền văn hóa bản địa, tác động tới sinh kế của hàng triệu con người mà đa phần đang sống ở những khu vực nghèo nhất thế giới.
Để khắc phục điều này, các nỗ lực bảo tồn đã được nhân rộng trên khắp toàn cầu, trong đó tập trung chủ yếu vào các dự án tái trồng rừng nhằm mục tiêu tăng tổng số cây sống và liên kết những cánh rừng còn lại với nhau nhằm ứng phó với tình trạng mất nơi cư trú và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của loài.
Tái trồng rừng mưa – lộ trình đầy thử thách
Hiện tại, các dự án tái trồng rừng mưa đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, rừng mưa cần nhiều loại cây cổ thụ mà vườm ươm không thể đáp ứng. Thêm nữa, rất nhiều hoạt động của một hệ sinh thái rừng mưa diễn ra trên những tầng cao phải mất nhiều thập kỷ mới có thể phục hồi và phát triển. Đồng thời, cây cối trong rừng mưa dựa chủ yếu vào những “người bạn” tiến hóa của chúng – động, thực vật xung quanh – hòng tạo điều kiện cần để duy trì những chức năng cơ bản như chu trình dinh dưỡng, thụ phấn…
Do đó, muốn phục hồi rừng mưa buộc phải duy trì sự cân bằng “dễ vỡ” của các nhân tố sinh thái. Chỉ cần vi khuẩn trong đất và các vi sinh vật khác chuyên phân hủy chất hữu cơ giàu dinh dưỡng rơi xuống thảm rừng bị tiêu diệt thì rừng mưa cũng không thể tồn tại, hay nếu côn trùng và chim – loài chuyên thực hiện chức năng thụ phấn – bị tuyệt chủng thì sự sống trong những cánh rừng mưa sẽ đối mặt với mối nguy khôn lường.
Gần đây, một số nỗ lực phục hồi rừng tập trung vào hoạt động trồng rừng nhanh bởi các vùng rừng này đóng vai trò thiết yếu đối với nhiều chu trình tự nhiên của Trái đất, chẳng hạn như chu trình các-bon, chu trình nước. Tái trồng rừng trên đất rừng đã bị phát quang bằng các loài cây ngoại lai sinh trưởng nhanh, như bạch đàn hay keo Úc, có thể giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết như xói mòn đất hay mức độ các-bon cao.
Tuy nhiên, các loài cây ngoại lai dễ làm thay đổi các đặc tính vốn có của đất, khiến cho đất không còn phù hợp với việc gây rừng trong tương lai. Thực trạng ấy đòi hỏi giới khoa học cần nghiên cứu từng trường hợp cụ thể nhằm xác định tác động của từng loài thực vật ngoại lai đối với đời sống vi khuẩn trên cùng một khu vực để có lựa chọn thích hợp cho hoạt động tái trồng rừng.
Thêm một phương thức bảo vệ loài trong rừng mưa mà các nhà bảo tồn đang theo đuổi là trồng lại các hành lang cây cối nằm giữa các vùng rừng mưa và mở rộng các khu vực gần kề những vùng rừng còn tồn tại. Điều này sẽ góp phần mở rộng nơi cư trú cho động, thực vật và tạo cơ hội cho các quần thể khác nhau sống đan xen, từ đó giúp thúc đẩy tính đa dạng về mặt di truyền, ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng do bị cô lập của nhiều loài. Đặc biệt, hành lang càng rộng thì càng an toàn cho các động vật di cư đến.
Chưa hết, giới nghiên cứu còn đang ra sức tìm kiếm một số giải pháp nhằm củng cố các nỗ lực tái trồng rừng, đáng lưu ý là giải pháp đầy sáng tạo liên quan tới loài dơi. Theo nghiên cứu, việc bố trí những điểm đậu dành cho dơi ngay trong các khu vực bị tàn phá có thể thu hút loài động vật có vú duy nhất biết bay này phát tán hạt và khởi đầu cho tiến trình phục hồi rừng mưa.
Ghi nhận những nỗ lực phục hồi rừng mưa
Thế giới đang cùng nhau nỗ lực tái trồng rừng, nhất là các nhóm bảo tồn lớn hiện đang cố gắng gìn giữ, mở rộng và kết nối những cánh rừng mưa trên Trái đất thông qua hàng loạt dự án cụ thể.
Dự án của chính phủ Rwanda kết hợp với một số tổ chức bảo tồn tại Khu dự trữ Rừng Gishwati có thể coi là một ví dụ. Từng là một cánh rừng mưa rộng lớn, song các hoạt động như phá rừng, tái định cư của dân tị nạn suốt thế kỷ qua đã thu hẹp đáng kể diện tích của rừng Gishwati. Mặc dù con số hiện tại vẫn chưa thể so với con số ban đầu, song hoạt động tái trồng rừng cũng đã góp phần gia tăng tương đối diện tích vùng rừng này.
Cũng tại Rwanda, một dự án khác mang tên Khu Bảo tồn Quốc gia Rwanda đã cho thấy những bước tiến rõ rệt. Các thành viên tham gia dự án đang nỗ lực tận dụng những hành lang cây cối rộng lớn để đem rừng mưa trở lại Rwanda, đồng thời kết nối nó với các cánh rừng mưa rộng lớn hơn gần đó. Họ cũng lên kế hoạch gia tăng diện tích của rừng lõi và nghiên cứu, tìm hiểu hệ sinh thái động vật rừng, đặc biệt là loài tinh tinh.
Còn Indonesia, nơi nhiều cánh rừng mưa rộng lớn bị tàn phá nghiêm trọng, đang tích cực đầu tư vào hoạt động tái trồng rừng. Ngày 28/11/2007, 79.000 cơ quan chính phủ đã tiến hành trồng tổng cộng 79 triệu cây rừng. Nỗ lực này đi cùng các dự án trồng cây khác, cũng như việc thắt chặt quản lý các hoạt động khai thác gỗ trái phép.
Bên cạnh đó, có thể thấy những nỗ lực bảo tồn, tái trồng rừng mưa ở Brazil đang làm chậm tốc độ mất rừng bằng nhiều dự án lớn có sự hợp tác của các tổ chức trong nước và quốc tế. Điển hình là nỗ lực phát triển và xây dựng các mạng lưới hành lang rộng lớn đi kèm với các chương trình bảo vệ loài và tái sinh rừng. Chưa hết, giới bảo tồn còn đẩy mạnh hoạt động giáo dục cộng đồng địa phương về giá trị của một cánh rừng mưa giàu có. Các chủ trại gia súc và nông dân cũng đã tiếp nhận những sáng kiến về trồng rừng trên mảnh đất của họ.
Và thêm rất nhiều nỗ lực phục hồi đến từ Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) mà điển hình là các chiến dịch toàn cầu trồng 1 tỷ cây (năm 2006), hay chiến dịch mở rộng trồng 7 tỷ cây xanh (năm 2009)… Những nỗ lực này không chỉ giúp thắp lên nhiệt huyết trồng cây gây rừng ở các tổ chức, cá nhân, trường học… trên toàn cầu mà còn trực tiếp góp phần bảo vệ, phục hồi rừng – “những lá phổi xanh” của Trái đất.