ThienNhien.Net – TP.HCM phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 80% hộ dân chăn nuôi có hầm biogas.
Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
TP.HCM với địa hình nhiều sông ngòi kênh rạch nhưng đa phần bị ô nhiễm và nhiễm mặn quanh năm nên vấn đề làm sao để người dân, nhất là dân nghèo ở các huyện vùng sâu, vùng xa như: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… có nước sạch sử dụng là một việc làm rất khó khăn.
Tuy nhiên, bằng nhiều cố gắng và nỗ lực không ngừng trong một thời gian dài, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường thành phố đã từng bước đưa nước sạch đến từng hộ dân nghèo, vùng sâu vùng xa…
Theo ông Nguyễn Thành Nam – Trưởng phòng Kỹ thuật thuộc Trung tâm, hiện nay Trung tâm đang có 121 trạm cấp nước sạch, cung cấp cho khoảng 300.000 người của 62.000 hộ, chủ yếu là các địa phương ngoại thành kể trên.
Khi nói về những khó khăn trong việc tìm và đưa nguồn nước sạch tới từng hộ dân ở địa bàn ngoại thành, ông Nam cho biết: “Mặc dù hệ thống kênh rạch ở thành phố dài tới gần 100.000 km nhưng đa phần đều ô nhiễm, nhiễm mặn nên không thể sử dụng trực tiếp được. Hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn lại không thể chảy qua hết tất cả các cụm dân cư ngoại thành. Vì vậy, cách duy nhất lấy nước sạch rồi xử lý để cung cấp cho người dân là khoan giếng ở độ sâu từ 230 đến 350 mét sau đó bơm lên, xử lý rồi đưa tới từng hộ. Đây là quy trình làm nước sạch ở nhiều địa phương trên cả nước thường áp dụng”.
Với mục đích, tiêu chí đẩy mạnh hơn nữa dòng nước sạch về các hộ dân nghèo vùng ngoại thành, năm nay và đầu năm 2012, Trung tâm đang có kế hoạch xây dựng thêm một số trạm cấp nước nữa gồm Trạm cấp nước ở Bình Trị Đông A, Tân Tạo, Phong Phú đều ở huyện Bình Chánh và sửa chữa, tu bổ các trạm cấp nước sạch ở các xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, ở Nhơn Đức huyện Nhà Bè và Hóc Môn.
Việc hoàn thành được nhiệm vụ này là hết sức khó khăn vì địa bàn rộng, các cụm dân cư thưa và xa nhau, cộng thêm việc tách hộ và di dân cơ học khiến cho việc cung cấp nước sạch phải không ngừng thay đổi.
Ông Nguyễn Thành Nam cho biết, mục tiêu của Trung tâm là năm 2015, số hộ dân sử dụng nước sạch vùng nông thôn ngoại thành sẽ đạt 95%. Theo đó, mỗi người dân sẽ có 80 lít/tháng để sử dụng.
Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn tập trung năng lực đẩy nhanh các dự án trọng điểm về xây dựng các tuyến ống, giải quyết vấn đề thiếu nước cho các khu vực cuối nguồn. Năm 2010, Tổng Công ty tiếp tục phát triển thêm 120 km đường ống truyền dẫn cấp 1, 2 và hơn 300 km đường ống phân phối cấp 3 ở phía đông thành phố để nâng cao khả năng tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức, cải thiện cơ bản tình trạng thiếu nước ở quận 7 và huyện Nhà Bè.
Mặt khác, nhiều dự án xây dựng mạng truyền dẫn cấp 1, 2 khác cũng đang được triển khai thực hiện nhằm chuẩn bị tiếp nhận nguồn nước sạch mới (đợt đầu 150.000 m3 nước/ngày) từ Nhà máy nước Kênh Đông (công suất thiết kế 200.000 m3 nước/ngày) vào năm 2011.
Đặc biệt, thành phố đã xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ. Đây là địa bàn mà việc khoan giếng do không thể thực hiện được vì cấu tạo địa chất, địa tầng chỉ có thể khoan sâu xuống lòng đất chừng 100 mét là hết do chạm phải chân núi Dứa của thành phố Vũng Tàu. Do đó phải làm đường ống dẫn nước từ quận 7 và huyện Nhà Bè đưa sang, dự trữ trong những bể lớn sau đó mới đưa vào các hộ dân.
Tháng 4 vừa qua, dự án phát nước đợt đầu cung cấp 6.000m3/ngày trực tiếp qua hệ thống mạng phân phối cho 2 xã Long Hòa, Bình Khánh và Thị trấn Cần Thạnh. Các xã còn lại sẽ được cấp nước gián tiếp qua hệ thống các đơn vị vệ tinh cấp nước của Cần Giờ. Dự kiến đến cuối tháng 10/2011, khi trạm tăng áp số 1 hoàn thành sẽ phát nước giai đoạn 2 với công suất 39.000m3/ngày.
Liên quan đến các tiêu chí về vệ sinh môi trường, bà Lê Hồng Hoanh – Phó Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 2 năm qua, với nhiều nguồn vốn ưu đãi, TP.HCM đã hỗ trợ người dân ở khu vực ngoại thành xây dựng và cải tạo hơn 27 ngàn nhà tiêu hợp vệ sinh, hơn 2.100 hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Nhìn chung, chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn TP.HCM đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nâng dần chất lượng sống của người dân ở khu vực ngoại thành. Thành phố phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo 100% người dân nông thôn TP được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% hộ dân chăn nuôi có hầm biogas.