ThienNhien.Net – Mạng lưới tập hợp các luật sư tiểu vùng Mê Kông, Mekong Legal Network-MLN, mới đây đã gửi thư tới Ủy hội Mê Kông (MRC), bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường và Bộ Ngoại giao của bốn nước thành viên MRC đề nghị các bên có quyết định chính thức và công khai về việc mở rộng quá trình PNPCA để các nước thành viên có thêm thông tin đánh giá về dự án đập Xayaburi của Lào.
Trong một bức thư đề ngày 8/6/2011 bị rò rỉ từ Bộ Năng lượng và Khoáng sản Lào gửi tới Công ty TNHH Xayaburi, Bộ này đã xác nhận rằng: Hiệp định Mê Kông 1995 được thực hiện theo đúng tinh thần hợp tác và phối hợp giữa tất cả các bên liên quan; và rằng “công tác tham vấn trước của dự án Xayaburi hiện đã hoàn tất và quy trình tham vấn trước (PNPCA) đã kết thúc ở cấp Ủy ban Liên hợp Ủy hội Sông Mê Kông (MRC)”. Tuyên bố này sau đó cũng được đoàn đại biểu của Lào khẳng định lại tại phiên họp không chính thức các nhà tài trợ MRC ngày 24/6/2011 tại Phnom Penh, Campuchia. |
Đề nghị này được MLN đưa ra trên cơ sở quan ngại rằng Chính phủ Lào tán đồng với quan điểm chính thức của Công ty Năng lượng Pöyry, đơn vị tư vấn thực hiện Báo cáo tuân thủ đối với dự án thủy điện Xayaburi khi cho rằng quá trình PNPCA của con đập Xayaburi đã hoàn tất. Và theo MLN, nếu hưởng ứng quan điểm này, chính phủ Lào sẽ vi phạm các nghĩa vụ pháp lý khu vực và quốc tế.
Vi phạm nghĩa vụ tham vấn với các nước thành viên MRC
Mặc dù Lào đã thực hiện quá trình Thông báo, tham vấn và đồng thuận trước (PNPCA) thông qua việc cung cấp thông tin liên quan đến dự án Xayaburi cho các nước thành viên, song nếu đơn phương tuyên bố đã hoàn tất quá trình này thì Lào sẽ vi phạm nghĩa vụ pháp lý theo Nghị định 1995 mà các nước thành viên MRC đã ký kết. Bởi lẽ, Hiệp định này đã quy định rất rõ rằng tham vấn trước không phải là quyền đơn phương sử dụng nước của bất kỳ quốc gia nào mà không tính đến quyền của các nước ven sông khác. Theo đó, các nước thành viên khác có quyền được thông tin đầy đủ để đánh giá về dự án.
Điều này còn đặc biệt cần thiết khi Đánh giá Chiến lược về thủy điện dòng chính Mê Kông (SEA) khẳng định: “Hiện vẫn còn rất nhiều điều chưa chắc chắn và những lỗ hổng kiến thức liên quan các dự án phát triển dòng chính. Các hiểu biết về Mê Kông hiện chưa đủ để đi đến bất cứ quyết định có trách nhiệm nào về đập dòng chính”. Chính vì thế, việc hạn chế quá trình tham vấn trong vòng 6 tháng có thể vi phạm quyền của các nước ven sông trong việc tiếp cận thông tin.
Thiếu thiện chí tuân thủ thông luật quốc tế
Đánh giá của MLN cho rằng việc Lào đơn phương tuyên bố hoàn tất PNPCA là thể hiện sự thiếu thiện chí tuân thủ thông luật quốc tế dựa trên hai cơ sở. Thứ nhất, theo thông luật quốc tế thì sự đàm phán thiện ý là một quy tắc bình đẳng tối cao. Nguyên tắc 19 của Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển đã chỉ rõ: “Các quốc gia phải cung cấp các thông báo trước, kịp thời và đầy đủ thông tin liên quan đến các quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động tiềm ẩn tác động môi trường xuyên biên giới, đồng thời tiến hành tham vấn ngay từ giai đoạn đầu tiên với tinh thần thiện chí”.
Nguyên tắc này lại được khẳng định lần nữa vào năm 2002 tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững ở Johannesburg, nơi mà tất cả các quốc gia lưu vực Mê Kông đã có mặt tại và cam kết thực hiện các nguyên tắc trong Tuyên bố Rio. Với hành động đơn phương tuyên bố hoàn thành quá trình PNPCA, Lào sẽ không chỉ hành động thiếu thiện chí mà còn vi phạm nguyên tắc cơ bản về bình đẳng chủ quyền.
Thứ hai, là một thành viên tham gia Luật Công ước Quốc tế, Lào có nghĩa vụ thực hiện tất cả các nghĩa vụ được quy định trong các thỏa ước ký với các nước khác, bao gồm cả Hiệp định Mê Kông năm 1995. Trong khi đó, không có điều khoản nào trong Hiệp định 1995 trao quyền quyết định đơn phương cho một thành viên về quá trình PNPCA. Đặc biệt, trước đó tại Cuộc họp Ủy ban Liên hợp MRC ngày 19/4, Lào đã đồng ý đưa quyết định về PNPCA lên cuộc họp ở cấp bộ trưởng.
Chưa đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới
Theo thông luật quốc tế thì Lào có nghĩa vụ thực hiện Đánh giá tác động môi trường (EIA) thể hiện các tác động xuyên biên giới đối với một dự án tiềm ẩn nguy cơ cho các nước láng giềng, đồng thời cũng có nghĩa vụ ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.
Tuyên bố Rio về môi trường và Phát triển cũng quy định rõ: “Theo Hiến chương Liên hiệp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các quốc gia có trách nhiệm đảm bảo rằng các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền hay quyền kiểm soát của họ không gây tổn thất tới môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia”.
Tuy nhiên, EIA và SIA (Đánh giá tác động xã hội) của đập Xayaburi lại không hề có thông tin về các tác động xuyên biên giới. Nghiên cứu này chỉ tập trung vào các tác động địa phương và chỉ đánh giá trong phạm vi 10 km tính từ vị trí xây đập, mà không phân tích tác động tiềm ẩn tới hạ lưu của Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Trong khi đó, quá trình PNPCA và SEA đều xác định các tác động là nghiêm trọng và thừa nhận lỗ hổng thông tin liên quan đến các mối đe dọa tới người dân sống phụ thuộc vào dòng sông.
Chưa tuân thủ Hướng dẫn thiết kế sơ bộ
Hướng dẫn thiết kế sơ bộ (PDG) đã được Nhóm Đánh giá Kỹ thuật và Ủy ban Liên hợp MRC thông qua năm 2009. Dựa trên các nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, mục đích của PDG là đảm bảo rằng các nhà phát triển đập có hướng dẫn kịp thời để áp dụng các cách tiếp cận phù hợp với thiết kế đập trước các tác động xuyên biên giới. Đồng thời, PDG cũng cung cấp các mục tiêu triển khai dự án giúp các nhà phát triển xác định linh hoạt các giải pháp tốt nhất.
Dẫu vậy, nghiên cứu khả thi và báo cáo EIA của Dự án Xayaburi hiện không tuân thủ PDG để đảm bảo thiết kế, thi công và vận hành đập an toàn vì quyền lợi của tất cả các thành viên MRC. Một trong những yêu cầu quan trọng của PDG mà nhà phát triển dự án Xayaburi đã phớt lờ là thành lập một Ủy ban đánh giá an toàn đập độc lập để giám sát quá trình thăm dò, thiết kế, xây dựng và vận hành đập.
Ngoài ra, theo Báo cáo Đánh giá PNPCA, hiện vẫn còn những lỗ hổng kiến thức về tác động của cầu thang cá và vận chuyển trầm tích. Những biện pháp giảm nhẹ tác động đề xuất trong EIA cũng được cho là chưa tối ưu và chưa tuân thủ hướng dẫn PDG.
Với tất cả những phân tích trên đây, theo MLN, Lào sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với bất cứ tổn thất nào mà quá trình xây dựng và vận hành đập Xayaburi gây ra nếu đơn phương phê chuẩn PNPCA.
Thêm một cơ sở nữa để thấy tính rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn từ dự án này là kết quả từ một báo cáo mới đây của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Theo kết quả nghiên cứu này thì dự án Xayaburi còn có thể mang lại kết quả tiêu cực về kinh tế bên cạnh những tác động tiêu cực về xã hội và môi trường đã được nhận diện trong phân tích chi phí-lợi ích từ kịch bản Quy hoạch Phát triển Lưu vực của MRC.
Như vậy, nếu Lào vẫn tiếp tục triển khai dự án với điều kiện hiện tại và tổn thất xảy ra cho các nước, thì theo Nghị định 1995 Lào phải lập tức chấm dứt việc gây tổn thất. Ít nhất theo thông luật quốc tế, Lào cũng sẽ bị yêu cầu đóng cửa đập đến khi các tổn thất được ngăn chặn. Tổn thất về sản lượng điện có thể buộc Lào chịu trách nhiệm với chủ sở hữu được nhượng quyền của con đập nếu không phải là với người mua điện cuối cùng – tùy thuộc vào điều kiện của Hợp đồng mua bán điện. Nếu không tìm được phương pháp ngăn chặn thiệt hại, Lào có thể bị cấm vận hành đập theo nghĩa vụ pháp lý quốc tế để không gây tổn hại cho quốc gia khác.
Trên cơ sở các phân tích dưới góc độ pháp lý ở trên, MLN đã đề nghị các nước thành viên MRC có một quyết định công khai và chính thức mở rộng quá trình PNPCA để các bên liên quan có thêm các thông tin cần thiết cho việc thảo luận và đánh giá về dự án này.
Bạch Dương