ThienNhien.Net – Bất chấp cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra và tình trạng lạm quyền liên quan, Trung Quốc vẫn tiếp tục xúc tiến dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt Myanmar – Trung Quốc mà hai nước đã ký kết. Trong bối cảnh nguồn dự trữ tài nguyên dầu khí có thể làm biến đổi bộ mặt kinh tế của Myanmar nếu nguồn tài nguyên này được dùng phục vụ nhu cầu nội địa, thì dự án trên đồng nghĩa với việc Myanmar đang bán lại tương lai kinh tế của mình cho Trung Quốc – Wong Aung, thành viên của Shwe Gas Movement, khẳng định.
Dự án được triển khai thông qua xây dựng mở rộng một cảng biển nước sâu, trạm khí đốt và điểm chuyển dầu phía tây bang Arakan (Myanmar), đồng thời lắp đặt gần 800km ống dẫn. Các ống dẫn kép sẽ bơm nguồn khí tự nhiên của Myanmar và cả nguồn dầu từ Trung Đông, châu Phi sang Trung Quốc hòng đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước này.
Mặc dù xung đột vũ trang đang bùng nổ ngay sát tuyến đường ống dẫn dầu – khí đốt, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và các công ty Hàn Quốc, Myanmar vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động xây dựng.
Đặc biệt, việc tịch thu đất làm đường cho hành lang ống dẫn đang đẩy người nông dân vào tình cảnh thất nghiệp. Thêm nữa, lệnh cấm tiếp cận các ngư trường càng góp phần gia tăng làn sóng di cư tại khu vực dự án. Dân địa phương hiện đang cố vật lộn với đồng lương ít ỏi và những công việc nguy hiểm, tạm thời từ dự án. Thậm chí, họ còn chẳng thể lên tiếng kêu ca về điều kiện làm việc hay phàn nàn vì đồng lương không xứng đáng. Trước đó không lâu, vì đòi trả lương mà 60 công nhân ở một trạm khí đốt phía bờ biển đã bị sa thải.
Xét ra, rõ ràng Myanmar có thể tạo bước chuyển cho nền kinh tế nếu tận dụng nguồn dự trữ dầu khí để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng thường xuyên và giải quyết vấn đề giá dầu vốn là nguyên nhân dẫn đến các cuộc nổi dậy cách đây 4 năm, nhưng thay vì thế, Myanmar lại quyết định “bán” tương lai kinh tế của mình cho Trung Quốc bằng cách xuất khẩu dầu khí thu lợi nhuận, ước tính vào khoảng 29 tỷ USD, theo ý kiến của Wong Aung.
Tuy nhiên, trong tình thế xung đột đang leo thang tại Myanmar thì Wong Aung cho rằng tốt hơn hết, các nhà đầu tư nên sớm rút lui trước khi dự án bị đổ bể.
Shwe Gas Movement (SGM) là một tổ chức phi chính phủ độc lập chuyên vận động chống lại dự án khí đốt Shwe và dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt Myanmar – Trung Quốc, đồng thời giám sát vấn đề nhân quyền, minh bạch về doanh thu cùng những tác động môi trường trong lĩnh vực dầu và khí đốt tại Myanmar. Thành viên của tổ chức này gồm có Hội Thanh niên, Hiệp hội Arakan Oil Watch, Phong trào Khí đốt Shwe (Ấn Độ) và các nhà hoạt động tại Myanmar. |