ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đây đã ghi nhận được quần thể cò quăm cánh xanh (Pseudibis davisoni) – một trong những loài chim quý hiếm nhất thế giới – với số lượng lớn tại Campuchia. Song, điều đó chưa đủ để nhen nhóm lên hy vọng về sự phục hồi của loài chim này. Tình trạng mất nơi cư trú tràn lan đang khiến giới bảo tồn không khỏi lo ngại về khả năng cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng trên quy mô toàn cầu.
Được biết, sau khi tiến hành lượt điều tra đầu tiên trong năm 2011 bằng cách đếm số cò quăm cánh xanh có mặt tại 4 địa điểm chính ở Campuchia, các điều tra viên đã tổng hợp được con số 543 cá thể cò quăm. Đây có lẽ là một kỷ lục mới vì số lượng cò quăm cánh xanh được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái chỉ dừng lại ở 428 cá thể.
Tuy nhiên, niềm vui ấy không thể khỏa lấp mối quan ngại về sự sống còn của loài này vì chúng đang bị đe dọa bởi tình trạng mất nơi cư trú trầm trọng. Dự đoán tới 85% quần thể Pseudibis davisoni có thể rơi vào nguy cơ mất nơi cư trú do biến động về sử dụng đất trong tương lai không xa.
Cũng vì mất nơi cư trú mà người ta đã không còn thấy cò quăm cánh xanh xuất hiện tại Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Malaysia và cả Trung Quốc. Quần thể cò quăm Pseudibis davisoni trên đảo Borneo (Indonesia) cũng bị suy giảm nhiều. Và giờ tình trạng mất nơi cư trú còn lại trên lãnh thổ Campuchia đang là mối hiểm họa lớn nhất đối với loài này.
Trước nguy cơ cận kề suốt nhiều năm nay, Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp cò quăm cánh xanh ở mức cực kỳ nguy cấp (CE) và dù khảo sát cho thấy số lượng cá thể cò quăm đang tăng lên thì cũng không thể chắc chắn rằng quần thể Pseudibis davisoni đang phục hồi, ông Sum Phearun, một nhà nghiên cứu cò quăm, chia sẻ.
Là một nước đã ký kết vào Công ước Đa dạng sinh học, Campuchia có trách nhiệm trong việc bảo tồn loài cò quăm cánh xanh và các loài nguy cấp khác. Thời gian gần đây, những nỗ lực bảo tồn đã được nhân rộng trên khắp đất nước Campuchia với sự tham gia của một liên minh bảo tồn bao gồm Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife International), Tổ chức Con người, Tài nguyên và Bảo tồn (PRCF), Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) và nhiều cơ quan hữu quan Campuchia.
Đặc biệt, không chỉ tập trung bảo vệ tổ cò, triển khai mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, những nỗ lực bảo tồn còn gắn chặt với hoạt động thực thi pháp luật ngăn chặn nạn săn bắn, đồng thời áp dụng cơ chế sản xuất lúa thân thiện với động vật hoang dã – một cơ chế rất có ích cho tiến trình bảo tồn cò quăm cánh xanh đang diễn ra rầm rộ tại Campuchia.