ThienNhien.Net – Dựa trên một loạt mẫu vật thu được tại Campuchia và Việt Nam, nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam, Campuchia và Anh đã phát hiện ra 3 loài dơi mũi ống mới thuộc giống Murina, trong đó có một loài ở Việt Nam.
Nghiên cứu này mới đây đã được Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hungary (HNHM) và Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI) công bố, đồng thời được đăng tải trên Tạp chí Journal of Mammalogy của Mỹ. HNHM và FFI cũng là hai đơn vị tiến hành mô tả ba loài dơi dặc biệt này, trong đó loài được tìm thấy ở Việt Nam được cho là “nhỏ bé nhưng rất tinh quái”, đó cũng là lí do chúng được đặt tên là Beelzebub’s tube-nosed (nghĩa là dơi mũi ống tinh quái).
Cả ba loài hiện đang được tiếp tục nghiên cứu nhưng các nhà khoa học cảnh báo chúng đang phải sống trong các khu rừng dễ bị tổn thương do vấn nạn phá rừng trong toàn khu vực.
Cũng theo tiết lộ của nhóm tác giả, một trong ba loài được cho là khá giống với loài dơi mũi ống lông chân M. tubinaris (Scully, 1881) nhưng nhiều đặc điểm bên ngoài của chúng lại rất khác biệt. Loài dơi mới này tương đối phổ biến ở khu vực Đông Nam Á lục địa trong khi hai loài mới kia chỉ được biết đến qua một vài mẫu vật được thu lượm rải rác ở các địa phương.
Trước phát hiện quan trọng và ý nghĩa này, không ít loài dơi thuộc giống Murina cũng đã được tìm thấy và mô tả chi tiết. Sự đa dạng đến kinh ngạc của loài dơi được thể hiện bởi số lượng lớn các loài mới liên tục được phát hiện trong thời gian gần đây và chắc hẳn sự phong phú của chúng sẽ còn vượt ra ngoài những con số đang được xác nhận.