ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cối trong những cánh rừng nhiệt đới và điều này có thể kích thích hoạt động của các vi sinh vật trong đất, làm giải phóng lượng các-bon mà đất lưu trữ.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết quả thí nghiệm 6 năm trong một cánh rừng mưa nhiệt đới ở Viện nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (Panama) để tìm hiểu xem các mức độ gia tăng của rác thực vật – như lá, vỏ, cành cây rơi xuống đất – tác động như thế nào tới sự lưu trữ các-bon trong đất.
Kết quả cho thấy tình trạng tăng thêm rác thực vật đã khiến các vi sinh vật trong đất bị “bội thực”, nghĩa là lượng các-bon mới từ rác thực vật cung cấp quá nhiều năng lượng cần thiết cho vi sinh vật, thúc đẩy quá trình phân giải các-bon trong đất.
Cũng theo nghiên cứu trên thì một tỷ lệ lớn các-bon được lưu giữ trong những cánh rừng nhiệt đới có thể phát thải khỏi mặt đất do sự tăng trưởng nhanh hơn của cây cối. Ước tính, gia tăng 30% rác thực vật hàng năm làm giải phóng khoảng 0,6 tấn các-bon trên mỗi héc-ta đất rừng nhiệt đới vùng đất thấp. Và điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình cân bằng các-bon toàn cầu.
“Cần lưu ý thêm khi xảy ra hiện tượng “bội thực” của vi sinh vật trong đất cũng có nghĩa là lượng các-bon vốn tồn tại lâu đời và tương đối ổn định trong đất đang bị thay thế bởi các-bon mới từ các bộ phận thực vật chết vốn rất dễ bị phân hủy. Hiện chúng ta vẫn chưa thể lường trước về lâu dài điều đó sẽ để lại những hậu quả gì đối với chu trình các-bon” – Tiến sĩ Edmund Tanner, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.
Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Sinh thái và Thủy văn và trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) phối hợp thực hiện. Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí khoa học điện tử Nature Climate Change.