ThienNhien.Net – Sau sự cố lò phản ứng hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), rất nhiều nước đang tìm cách từ bỏ điện hạt nhân, nhưng thảm họa ấy dường như không mấy tác động đến kế hoạch điện hạt nhân của Trung Quốc. Quốc gia này vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng 36 lò phản ứng trong thập kỷ tới. Và điều đó đặt ra những câu hỏi về sự an toàn của tương lai hạt nhân tại đây.
Sở hữu một nửa số lò hạt nhân đang được xây dựng trên thế giới
Thời gian này Trung Quốc đang từng bước hoàn thiện công trình nhà máy điện hạt nhân Sanmen ở Chiết Giang, nơi đầu tiên sử dụng loại lò phản ứng theo thiết kế mới mang tên AP 1000 của Westinghouse (Hoa Kỳ). Nếu không có gì thay đổi thì lò phản ứng nói trên sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2013. Còn lò phản ứng AP 1000 thứ hai của Sanmen hiện cũng đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Ngoài ra, Trung Quốc đã đặt hai lò phản ứng tương tự như vậy tại thành phố Haiyang, tỉnh Sơn Đông.
Đây chỉ là một phần của kế hoạch xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân với tổng số 36 lò phản ứng mà Trung Quốc dự tính xây dựng trong thập kỷ mới. Điều này cho thấy rằng dường như Trung Quốc không hề nao núng trước sự cố hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản) trong khi nhiều quốc gia hạt nhân khác đang muốn đánh giá lại tương lai hạt nhân của họ.
Sau sự cố kinh hoàng hồi tháng 3 năm nay, Nhật Bản dự định ngừng xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân; bản thân Đức đã tuyên bố năm 2022 sẽ chính thức từ bỏ điện hạt nhân; Italy cũng không có ý định khôi phục lại ngành công nghiệp hạt nhân già cỗi của mình. Ngay cả những cường quốc hạt nhân như Pháp – nơi đạt được 80% sản lượng điện năng từ các lò phản ứng hạt nhân – cũng đã bắt đầu tính đến chuyện loại bỏ hạt nhân trong chiến lược năng lượng mở rộng tới năm 2050, mặc dù Chính phủ nước này vẫn ủng hộ vai trò của phân hạch trong việc bổ sung nguồn năng lượng.
Tuy nhiên, khi mà thế giới còn nuôi hy vọng hạn chế lượng phát thải khí nhà kính thì có lẽ điện hạt nhân vẫn sẽ đóng một vai trò nhất định. Vừa qua, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết chỉ riêng đóng cửa 18 nhà máy điện hạt nhân trên đất nước họ đã có thể làm gia tăng khoảng 210 triệu tấn CO2 phát thải vào bầu khí quyển, tăng xấp xỉ 17% so với mức độ hiện tại. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ nay đến năm 2050, mỗi năm phải xây dựng thêm 30 lò phản ứng hạt nhân mới mong giảm được một nửa lượng phát thải CO2.
Chưa hết, những quan ngại về biến đổi khí hậu và nhu cầu về điện của các nước đang phát triển ngày càng tăng tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hơn 60 lò phản ứng trên khắp thế giới, trong đó tập trung nhiều ở các quốc gia như Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc. Hoa Kỳ cũng đang xây dựng một lò phản ứng mới tại Watts Bar, bang Tennessee.
Song, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) thì không một nước nào có thể bì với Trung Quốc, nơi có 26 lò phản ứng hiện đang trong quá trình xây dựng, chiếm gần một nửa số lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng trên toàn cầu. Đặc biệt, Trung Quốc còn trở thành phòng thí nghiệm sống của thế giới về các thiết kế lò phản ứng hạt nhân mới. Quốc gia này đã và đang xây dựng lò phản ứng nước tăng áp cải tiến từ Pháp, lò phản ứng nước nặng từ Canada, lò phản ứng tầng hạt được thử nghiệm tại Nam Phi, lò phản ứng thực nghiệm sử dụng muối nóng chảy làm mát và thori làm nhiên liệu.
Và đáng nói nhất vẫn là lò phản ứng AP 1000 đầu tiên được Trung Quốc triển khai xây dựng tại Chiết Giang. Dự báo đây sẽ là công trình đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản lượng điện năng phát từ hạt nhân lên 5% trên tổng sản lượng điện năng của Trung Quốc trong tương lai không xa.
Xét kỹ ra, lò phản ứng thiết kế AP 1000 rẻ vì được xây bên trong nhà máy, cho phép kiểm soát thời tiết, quản lý nhân công tốt hơn và vì nó được thiết kế sử dụng ít bê tông và thép hơn so với các lò phản ứng trước đó, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng. Đặc biệt, AP 1000 còn chứng tỏ được tính năng an toàn cao, đơn cử như khả năng làm mát lò phản ứng mà không cần sự can thiệp của con người hoặc điện năng để chạy máy bơm.
Nếu chi phí xây một lò phản ứng hạt nhân được duy trì ở mức thấp, hẳn là chi phí điện năng từ phản ứng phân hạch hạt nhân sẽ trở nên rẻ hơn. Đó là lý do Trung Quốc kỳ vọng rằng điện hạt nhân sẽ là một trong số ít nguồn năng lượng thay thế giúp quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới này tiêu thụ ít than hơn trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ như hiện nay.
An toàn hạt nhân – mối bận tâm dai dẳng
Các kế hoạch hạt nhân của Trung Quốc đang làm bận lòng nhiều chuyên gia quan tâm đến an toàn hạt nhân. Thậm chí một số người còn cảnh báo rằng rất có thể Trung Quốc đang tự mình chuốc lấy một thảm họa hạt nhân khác sau Nhật Bản.
Trên thực tế, trong bản tuyên bố ngày 16/3, Chính phủ Trung Quốc cũng đã thừa nhận mối quan tâm về vấn đề an toàn hạt nhân, đồng thời quyết định tạm thời đình chỉ phê duyệt các dự án điện hạt nhân, bao gồm cả các dự án đã triển khai những khâu đầu tiên.
Theo thông tin từ Bộ Môi trường Trung Quốc, hoạt động tái xem xét mức độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân tại nước này sắp sửa hoàn thành. 13 lò phản ứng hiện hành đang cung cấp 11GW điện trên cả nước đều được đánh giá là an toàn. Việc kiểm tra các lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng, trong đó có Sanmen, được kỳ vọng sẽ khép lại vào mùa thu năm nay.
Mặc dù vậy, He Zuoxiu, nhà vật lý học của Trung Quốc, vẫn lên tiếng khẳng định: “Chúng ta chưa thực sự chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, nhất là về phương diện an toàn”.
Tuy nhiên, tất cả các mối quan ngại đều không thể ngăn Trung Quốc đặt mục tiêu 11,4% nhu cầu năng lượng của đất nước phải xuất phát từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch trong kế hoạch 5 năm mới của mình và đầu tư 5 nghìn tỷ nhân dân tệ vào “năng lượng mới” thông qua bản dự thảo mang tên New Energy Industry Development Plan (Kế hoạch Phát triển Ngành công nghiệp Năng lượng Mới), tất nhiên có tính đến cả năng lượng hạt nhân.
Suy cho cùng, hạt nhân vốn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về chất lượng, đi kèm với nó là vấn đề an toàn. Song có một thực tế là hiện tại Trung Quốc vẫn đang thiếu một cơ quan độc lập quản lý an toàn hạt nhân.